Vừa trao “cần câu”, vừa “cởi trói” tư duy
Đồng thời với đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy ý chí, nghị lực của người dân, các xã, thị trấn của huyện M’Drắk còn tích cực đưa các chương trình, nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ "cần câu" để vươn lên.
Ở xã Krông Jing, hộ chị H’Leo Niê (ở buôn M’lốc B) là một trong những điển hình thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ cận nghèo, thu nhập chính từ trồng mía, lúa. Năm 2018, chị được tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để mua 1 con bò mẹ và 1 bò con.
Chị tận dụng đồng cỏ tự nhiên làm thức ăn cho bò, cộng với việc chịu khó tiếp thu kiến thức chăn nuôi qua các lớp tập huấn do xã tổ chức, nhờ vậy bò mẹ của gia đình sinh sản tốt. Chị sử dụng nguồn phân bón từ chăn nuôi chăm bón cho 3 sào ruộng và gần 1 ha mía, tiết kiệm được một khoản đầu tư không nhỏ. Năm 2020, gia đình chị thoát khỏi diện cận nghèo.
Để không tái nghèo, chị H’Leo mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tiếp tục mua con giống, phát triển đàn và trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Hiện, chị đã gây dựng được đàn bò lên đến 6 con.
Kinh tế gia đình chị H’Leo Niê (buôn M’lốc B, xã Krông Jing) ngày càng ổn định nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Còn ở xã Cư Prao, xã đặc biệt khó khăn của huyện M’Drắk, bên cạnh việc kịp thời tháo gỡ khó khăn bước đầu cho người nghèo bằng các mô hình sinh kế phù hợp, chính quyền địa phương còn chú trọng nâng cao nhận thức để bà con tự lực vươn lên trong cuộc sống.
Trên địa bàn xã còn 665 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm gần 42% dân số. Chính quyền xã đã tìm hiểu tình hình, nắm bắt hoàn cảnh từng hộ nghèo, hộ cận nghèo để hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp với thực tế, nhu cầu của người dân.
"Tuyên truyền, khích lệ khát vọng thoát nghèo của người dân là giải pháp then chốt để bà con nhận thức rõ ý chí tự lực, tự cường vươn lên. Một khi đã “cởi trói” được tư duy, xóa được tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con sẽ thay đổi hành động, tích cực, tự lực vươn lên làm ăn”, ông Y Yi Niê Kđăm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Huyện M’Drắk có 12 xã, 1 thị trấn với 121 thôn, buôn, tổ dân phố; trong đó có đến 8 xã với 66 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 47% dân số toàn huyện. Đến cuối năm 2023, huyện còn 5.408 hộ nghèo, 2.926 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 43% số hộ. |
Giảm dần “cho trực tiếp, cho không”
Xác định để từng bước giảm nghèo cần có những giải pháp hỗ trợ người nghèo sát sườn, thực tế hơn, huyện M’Dắk chọn cách tiếp cận mới về giảm nghèo - đó là giúp người nghèo tự lực vươn lên, giảm dần việc “cho trực tiếp, cho không”.
Theo đó, huyện chủ trương huy động các nguồn lực để giúp người dân ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo thông qua việc có thu nhập tốt hơn.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu thoát nghèo của từng hộ gia đình, từ đó hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đào tạo nghề; tập trung các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng ở các vùng khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được các cơ quan chức năng của huyện thực hiện khẩn trương. Đáng chú ý, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như vay vốn giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế được triển khai kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện M'Drắk hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. |
Ông Nông Tuấn Đạt, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết, từ năm 2022 đến nay, đối với chính sách cho vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đơn vị đã giải ngân cho hơn 6.300 lượt hộ được vay với số tiền gần 288 tỷ đồng.
Về chính sách ưu đãi cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã giải ngân cho 1.067 lượt hộ được vay với số tiền hơn 58,6 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay này đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp tăng thu nhập như: trồng keo, mía, chăn nuôi bò, dê…, qua đó phát huy tính tích cực, chủ động thoát nghèo của người dân.
Cùng với đó, việc tư vấn, đào tạo nghề để người dân có việc làm, thu nhập ổn định cũng được địa phương chú trọng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 6 lớp đào tạo nghề chăn nuôi trâu, bò, gà, may dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp cho 192 lượt lao động…
Đỗ Lan