Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình với Báo Công Thương, chị Nguyễn Kim Thùy (sinh năm 1974), Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như - ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trải lòng, hơn 20 năm với nghề nuôi cá, nếm trải những thất bại, song vì luôn đau đáu, trăn trở khi cá thát lát là sản phẩm nổi tiếng của Đồng Bằng Sông Cửu Long, trong đó tỉnh Hậu Giang là nơi nhân giống đầu tiên và có nhiều tiềm năng phát triển nhưng sản phẩm vẫn loay hoay trong “ao làng”. Nặng lòng với quê hương, đã thôi thúc chị quyết tâm tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị Thùy kể, có những thời điểm khó khăn cùng cực, bị thua lỗ gần như hết vốn do chưa có kinh nghiệm trong nuôi cá thát lát. Nhưng không bỏ cuộc, chị tiếp tục con đường khởi nghiệp lần hai với sự chuyển hướng sang mở quán chuyên phục vụ các món ăn từ cá, trong đó có 2 món đặc trưng là chả cá thát lát và cá thát lát muối sả. May mắn, bước ngoặt này đã giúp chị thành công khi các sản phẩm cá của chị được thực khách rất yêu thích. Nhiều khách hàng sau khi thưởng thức còn mua về làm quà biếu. “Ban đầu, tôi chỉ làm chả cá và cá muối sả, tuy nhiên tôi trăn trở, cần tìm ra những sản phẩm chất lượng hơn, như làm cách nào để loại bỏ xương cá mà cá vẫn còn nguyên vẹn hình dáng và chất lượng. Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng tôi đã thành công, cho ra đời sản phẩm cá thát lát rút xương. Hợp tác xã Kỳ Như trở thành nơi đầu tiên chế biến ra sản phẩm cá thát lát rút xương tại xã Thạnh Hòa” - chị Như chia sẻ. |
Đặc biệt, theo chị Như, nhờ lợi ích và dưỡng chất từ cá thát lát có lợi cho sức khỏe như cung cấp nhiều protein, lipit, khoáng chất, canxi, vitamin A, D, E… và đặc biệt hàm lượng omega khá cao, rất tốt cho trẻ đang tuổi phát triển và người già cần bổ sung dinh dưỡng đã được nhiều bà con sử dụng sản phẩm phản hồi rất tốt. Từ đây, đã giúp chị Như có động lực hiện thực giấc mơ, đưa cá thát lát của quê hương đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Xác định mở rộng thị trường trước tiên phải xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm. Theo đó, năm 2015, sau khi tìm hiểu các tiêu chuẩn, chị Thùy quyết tâm đăng ký thương hiệu độc quyền cá thát lát Kỳ Như, với một số sản phẩm đặc trưng như: Chả cá thát lát, cá thát lát nạo, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát rút xương tẩm gia vị. Và từ đó chị bắt đầu hành trình tiếp thị, chào hàng sản phẩm của mình tại các cửa hàng đặc sản, siêu thị, hội chợ... Khi đã có chút vốn liếng, chị bắt đầu mở rộng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap và xây dựng nhà xưởng chế biến, đăng ký giấy phép kinh doanh, liên kết với các nông hộ, tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, được kiểm soát chặt chẽ từ vùng nuôi đến giai đoạn chế biến theo quy trình kiểm soát chất lượng (HACCP, ISO 22000) cho đến lưu trữ bảo quản. |
Và dấu mốc đáng nhớ là vào năm 2019, Hợp tác xã Kỳ Như được thành lập - với mong muốn của chị là tạo chuỗi liên kết cùng hỗ trợ phát triển, tạo sự ổn định, bền vững, mở rộng thị trường, mang lại lợi nhuận cho các thành viên và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ sự mạnh dạn của chị Như, bà con trong xã và huyện cũng được “hưởng lây”. Hiện Hợp tác xã đã bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nhiều huyện trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh lân cận, đồng thời giúp nhiều bà con có công ăn việc làm, gia tăng thu nhập. Từ con số 11 thành viên buổi đầu thành lập, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Kỳ Như ngày càng phát triển đông về số lượng người lao động (nay là 52 thành viên). |
Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp cho biết: Hiện Hợp tác xã Kỳ Như sử dụng 30 lao động thường xuyên, vào mùa vụ theo yêu cầu có khi tăng gấp 2, 3 lần, trong đó lao động nữ nông thôn có được việc làm và thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân của người lao động bình quân 90 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Hợp tác xã Kỳ Như từng bước khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường cũng như trong lòng khách hàng trên khắp mọi miền đất nước. Hiện Hợp tác xã Kỳ Như có diện tích sản xuất cá nguyên liệu là 16 ha, với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm (trong đó có 400 tấn sản phẩm chế biến và 600 tấn sản phẩm nguyên liệu). |
Để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm và thị trường, Hợp tác xã Kỳ Như đã đầu tư công nghệ hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về sản phẩm chất lượng của người tiêu dùng, như: Máy sấy năng lượng mặt trời, máy dồn chả, máy cấp đông nhanh, máy tạo viên, máy luộc chả, máy đóng gói, ép tem…. Ý thức được nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch và an toàn, Hợp tác xã Kỳ Như đã quy hoạch, xây dựng vùng nuôi cá đều đạt tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, Hợp tác xã còn áp dụng tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000 (Chứng nhận an toàn thực phẩm và hệ thống nhân sự quản lý chất lượng) trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm. Nhờ chất lượng từ vùng nuôi cho đến quy trình sản xuất đều tốt, Hợp tác xã Kỳ Như được các cơ quan Nhà nước cấp nhiều chứng nhận, bằng khen như Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nhãn sản phẩm cho cơ sở Kỳ Như; 2 Bằng Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực với sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị và chả cá thát lát tươi; Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia với sản phẩm chả cá thát lát tươi do Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp; sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Giải thưởng “Ngôi sao Hợp tác xã” năm 2024 và chị Nguyễn Kim Thùy vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Tháng 5/2024, Hợp tác xã Kỳ Như vinh dự được Thủ tướng tặng bằng khen nông dân sản xuất giỏi... |
Tính đến tháng 9/2024, Hợp tác xã Kỳ Như đã có 30 đại lý trên 20 tỉnh thành cả nước; đã phân phối cho các hệ thống siêu thị lớn như: Hệ thống siêu thị Mega, hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, hệ thống siêu thị Tứ Sơn… Hợp tác xã cũng đã liên kết với Công ty TNHH Thương mại Phan Tôn (TP.Hồ Chí Minh) gia công hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ; đã mở 1 chi nhánh phân phối trên đường Âu Cơ, TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tháng 10/2023 chị xuất khẩu lô hàng 20 tấn sản phẩm chả cá thát lát và cá thát lát rút xương tẩm gia vị sang thị trường Mỹ và tháng 5/2024 xuất lô hàng thứ 2 với số lượng 20 tấn. Năm 2024, với sự hỗ trợ của tỉnh Hậu Giang đầu tư cơ sở hạ tầng, Hợp tác xã Kỳ Như đã đầu tư mở rộng nhà xưởng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Theo chị Như, sau khi nhà xưởng hoàn thành, công suất tối đa 1 ngày của xưởng có thể sản xuất được 12 tấn với khoảng 100 công nhân. Việc đầu tư nhà xưởng là cơ sở để Kỳ Như hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sản phẩm từ chính thương hiệu Kỳ Như. |
Hợp tác xã Kỳ Như không chỉ mang lại cho người tiêu dùng trong nước những sản phẩm chất lượng mà ngày càng mở rộng sản xuất và tiến đến thị trường nước ngoài. Hợp tác xã Kỳ Như luôn giữ định hướng phát triển, chú trọng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm gắn với phát triển bền vững; đổi mới trên cơ sở đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, Hợp tác xã Kỳ Như có cả vùng nguyên liệu (cá giống, ao nuôi cá thịt), khu sơ chế, chế biến, đóng hộp thành phẩm. Có đến 14 sản phẩm làm từ cá thát lát, trong đó có 7 sản phẩm từ cá thát lát mang tên Kỳ Như được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh; ngoài ra, còn có sản phẩm khô cá sặc rằn một nắng (khô lạc) đạt OCOP 4 sao. Tiếp nối thành công ban đầu đạt được, hiện tại Hợp tác xã Kỳ Như đang xúc tiến đăng ký để công nhận 2 sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như và chả cá thát lát tươi Kỳ Như đạt chuẩn OCOP 5 sao, vươn tầm xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất, theo Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, siết chặt hơn quy trình chế biến khép kín, sạch, an toàn để tất cả các sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP 5 sao. Với phương châm không ngừng hợp tác và phát triển, Hợp tác xã chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra những sản phẩm ngày càng chất lượng. Đây không chỉ là niềm tự hào của Kỳ Như mà còn là niềm tự hào của Hậu Giang khi những sản phẩm của chúng tôi không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà cả quốc tế", chị Thùy khẳng định. Tuy nhiên, theo chị Thuỳ, một trong những khó khăn hiện nay là sự cạnh tranh của các loại sản phẩm cùng loại trên thị trường khi chất lượng không đồng đều dẫn đến những sản phẩm chất lượng gặp khó đầu ra. Theo đó, chị Thuỳ kiến nghị các cơ quan nhà nước cần có quy định cụ thể về chính sách an toàn tới người tiêu dùng, đồng thời có định hướng giúp những thương hiệu sản phẩm chất lượng phát triển bền vững, mang lại giá trị cao cho sản phẩm sạch. |
Hậu Giang có lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước... nên rất thuận lợi trong phát triển vùng nuôi thủy sản. Cá thát lát là 1 trong 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Đến nay, diện tích nuôi cá thát lát của tỉnh đạt khoảng 100 ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ... Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi cá thát lát 150 ha, sản lượng cá thát lát 13.500 tấn. Với sự đóng góp của Hợp tác xã Kỳ Như với nhiều sản phẩm được công nhận OCOP đã góp phần nâng cao giá trị và chất lượng cho cá thát lát ở Thạnh Hòa, từ đó giúp nghề nuôi cá ở địa phương phát triển. Định hướng đầu ra cho sản phẩm trong thời gian tới, theo Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, ngoài việc tiếp tục mở rộng đầu tư, đa dạng kênh phân phối, các thành viên Hợp tác xã mong muốn sản phẩm sẽ gắn kết với du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn hay du lịch cộng đồng. Chính vì thế, hiện nay Hợp tác xã đang định hướng xây dựng vùng chuyên canh nuôi gắn với chế biến cá thát lát để khách du lịch có thể trực tiếp tham quan quy trình sản xuất, an tâm khi mua các sản phẩm của Hợp tác xã. |
Đỗ Nga Đồ họa: Hồng Thịnh |