Với mong muốn nâng cao giá trị kinh tế của cà phê, năm 2022, ông Trịnh Văn Khoa, chủ một quán cà phê tại phường Thiện An đã quyết định khởi nghiệp bằng cách chế biến cà phê sạch mang thương hiệu Coffee Toàn Khoa. Chỉ bằng việc thu mua cà phê khi đã chín trên 90%, ông đã thay đổi thói quen thu hái của 60 hộ dân cùng liên kết, giúp họ tăng thêm thu nhập từ 10 - 15% so với trước để yên tâm sản xuất.
Ông Khoa chia sẻ, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2023, ông tiếp tục cải tiến quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, thường xuyên giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại của tỉnh nên doanh thu bán hàng tăng lên và nhận được nhiều phản hồi tốt của người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi năm cơ sở của ông xuất ra thị trường khoảng 10 tấn cà phê rang xay.
Ông Đặng Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Macca Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm của công ty. |
Cùng với những sản phẩm từ cà phê, thị xã Buôn Hồ còn có các sản phẩm OCOP từ mắc ca. Ông Đặng Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Macca Đắk Lắk (phường Thiện An) cho biết, việc sản phẩm mắc ca đạt chứng nhận OCOP 4 sao không chỉ giúp công ty tăng được khoảng 10% doanh thu mà còn giúp các sản phẩm mang thương hiệu Macca Đắk Lắk được người tiêu dùng nhận diện tốt hơn. Đây là cơ hội để sản phẩm của công ty kết nối dễ dàng hơn với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiêu dùng lớn trong và ngoài tỉnh.
Thị xã Buôn Hồ hiện có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 16 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, tập trung vào các mặt hàng có tiềm năng kinh tế cao như: cà phê rang xay, các sản phẩm chế biến từ trái mắc ca, sầu riêng, yến sào… Thị xã Buôn Hồ cũng đang phối hợp triển khai xây dựng mã vùng trồng cho 15,9 ha cà phê Robusta tại thôn Chà Là (xã Bình Thuận) nhằm tạo động lực cho nông dân nơi đây tập trung sản xuất, chế biến, phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng, mang lại giá trị cao hơn về kinh tế.
Ông Trịnh Văn Khoa, chủ cơ sở sản xuất Coffee Toàn Khoa (bên phải) tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk năm 2024. |
Ông Lê Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ cho biết, thị xã hiện có 14.552 ha cà phê, với sản lượng khoảng 36.380 tấn/năm. Toàn thị xã có 23 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác, 23 trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là những lợi thế lớn để địa phương tiếp tục phát triển sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOP mới đáp ứng yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh (năm 2022 thị xã Buôn Hồ mới chỉ có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao) thì phần lớn các sản phẩm còn sản xuất trên quy mô nhỏ; mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn; sản lượng tiêu thụ còn thấp; chưa có chuỗi cung ứng ổn định.
Việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn còn nhiều hạn chế như: các cơ chế, chính sách tuy đã ban hành nhưng chủ yếu là lồng ghép nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; chưa hình thành được nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng cho mỗi vùng tại địa phương; một số chủ thể OCOP chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số và bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Vì thế, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của thị xã sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tăng cường tổ chức, kết nối các chương trình xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho nông sản đặc trưng của địa phương.
Giang Nga