Bài 1: Làm giàu nhờ tư duy mới và nông sản địa phương

Đẩy mạnh liên kết, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản là 'chìa khóa' giúp nông sản Lào Cai nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh.

Làm giàu với cây bản địa

Với xuất phát điểm thấp, Mường Khương từng là huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, những năm qua huyện đã thực hiện tập trung vào phát triển 5 cây, con chủ lực: Chuối, dứa, chè, kinh tế đồi rừng và phát triển đàn lợn đen. Huyện cũng đã chuyển đổi gần 2.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển các cây chủ lực (chè, dứa, chuối, quế).

Bên cạnh đó, huyện đang đẩy mạnh thực hiện các liên kết sản xuất, tạo các chuỗi giá trị nông sản và kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến.

Chuối Mường Khương được bán tại Phiên chợ văn hoá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai (Ảnh: MA – MC)
Chuối Mường Khương được bán tại Phiên chợ văn hoá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai (Ảnh: Báo Lào Cai)

Đến nay, Mường Khương đã thành lập được 124 tổ hợp tác, 22 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Không chỉ các HTX đã phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi, đẩy mạnh chế biến, đến nay huyện đã có 64/124 tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động, 52/124 tổ hợp tác đã tổ chức ký hợp đồng với HTX, cơ sở chế biến.

Ông Vàng Dỉn Lin - thôn Phẳng Ta, xã Bản Xen, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai có gần 2 ha chè. Nhờ chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật làm chè sạch, chỉ dùng phân hữu cơ, không dùng phân hóa học cho nên đất màu mỡ, cây chè trổ búp to, cho năng suất cao, mỗi năm vợ chồng ông Vàng Dỉn Lin thu về hàng trăm triệu đồng.

Trong khi đó, nói đến phong trào phát triển mô hình trồng chè ở xã Bản Xen không thể không nhắc đến anh Trần Văn Hùng, những năm qua anh đã cùng người dân địa phương nâng tầm sản phẩm chè Bản Xen.

Để nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng sức mạnh cạnh tranh, anh Hùng đã chủ động tham gia các HTX chè Mường Khương và HTX chè Bản Sen. Từ đó, thiết lập liên kết với các hộ dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu sản phẩm về chế biến và xuất khẩu.

Hiện tại, anh Hùng cùng các cộng sự trong HTX đã có 2 nhà máy chế biến chè chất lượng cao, công suất 60 tấn/ngày và 40 tấn/ngày. Trước đây, khi chưa có nhà máy chế biến, giá chè của người dân chỉ ở mức 4.500 - 6.000 đồng/kg. Đến nay, chè được phân loại cao nhất giá 22.000 đồng/kg, tầm trung là 10.000 đồng/kg, đại trà là 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Còn tại huyện Bắc Hà, HTX Quang Tom (xã Tà Chải) nổi bật với mô hình kinh doanh sáng tạo, chủ động khai thác tiềm năng của cây chè Shan Tuyết đã tìm được chỗ đứng riêng tương đối vững chắc trên thị trường. Được thành lập năm 2021 với 7 thành viên, ông Đỗ Đình Phước - Giám đốc kinh doanh HTX Quang Tom cho biết, để sản xuất ra được một sản phẩm chè Shan Tuyết chất lượng đến tay người tiêu dùng đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp: Thu hái, phơi, sao, sấy, ép thành miếng,…

Nhằm duy trì ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, HTX Quang Tom đã liên kết với các hộ dân trồng chè Shan Tuyết trên địa bàn huyện Bắc Hà, nhất là ở vùng chè Shan Tuyết cổ thụ xã Tả Củ Tỷ để thu mua chè tươi, hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc “3 không”: Không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp.

Với mục tiêu đưa đặc sản miền núi ra thị trường, HTX Quang Tom đầu tư các loại máy móc để phục vụ quá trình chế biến, sản xuất chè thành phẩm: Máy sao, máy sấy, máy vò,… Đặc biệt, HTX xây dựng hệ thống nhà kính để phơi chè, tránh nhiễm bụi bẩn, côn trùng.

Ngoài ra, HTX cũng đẩy mạnh nghiên cứu và đưa ra thị trường thêm sản phẩm từ cây chè shan tuyết cổ thụ. Tất cả các quy trình từ chăm sóc, lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đều được HTX thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Để phát huy tốt vai trò đầu tàu liên kết, HTX còn là cầu nối đứng ra thu mua các sản phẩm của bà con trong vùng, đưa nông sản địa phương tới nhiều thị trường tiêu thụ mới, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên HTX và người dân.

Theo ông Đỗ Đình Phước, hiện nay, Bắc Hà có nguồn nguyên liệu chè Shan tuyết rất dồi dào. Nhận thấy những cây chè ở đây rất có giá trị nhưng chưa được khai thác đúng mức, HTX đã xây dựng sản phẩm OCOP để giúp bảo tồn, phát huy giá trị của sản phẩm chè shan tuyết, giúp đời sống đồng bào được nâng cao.

Trong quá trình sản xuất, HTX luôn đặt ra mục tiêu đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để cho ra thành phẩm chè Shan Tuyết có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Hiện, các sản phẩm như phổ shan trà, hồng shan trà, rượu lên men mận tam hoa đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, được người tiêu dùng Hà Nội, Sài Gòn, TP. Lào Cai… ưa chuộng. Mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường vài chục nghìn sản phẩm.

Vẫn còn những khó khăn không nhỏ

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các HTX nói chung và HTX miền núi nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nên việc tiếp cận với những chính sách hỗ trợ. Mặt khác, với hoạt động nhỏ lẻ, chất lượng không ổn định và khó kiểm soát cả về chất và lượng như hiện nay, rất khó để sản phẩm của HTX có thể cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, để có thể phát triển lâu dài, các HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các ban ngành, định hướng thị trường tiêu thụ và kết nối đến các doanh nghiệp, mở rộng tệp khách hàng.

“Hiện tại, các sản phẩm của HTX chủ yếu phân phối tới các đại lý, một số ít được bán trên các trang thương mại điện tử nhưng chưa phổ biến. Mặc dù chè Shan Tuyết có tiềm năng thị trường cao, nhưng việc tiếp cận và tiếp thị sản phẩm vẫn là một thách thức và cần có chiến lược tiếp thị hiệu quả để thu hút và giữ chân khách hàng. Ngoài ra, đối diện với việc giữ vững giá cả cạnh tranh trên thị trường, HTX phải tìm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu chi phí, đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước”, ông Đỗ Đình Phước cho hay.

Còn theo chị Vương Ngọc Thảo - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Vương Ngọc Thảo (tỉnh Lào Cai), dù phát triển được rất nhiều sản phẩm là đặc sản của Lào Cai và chọn được địa điểm mở cửa hàng ở một trong những nơi thu hút đông khách du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng mới đây, HTX cũng buộc phải sang nhượng cửa hàng vì không thể kham nổi chi phi, tiền sản xuất, vận chuyển… trong khi khách đến mua hàng trực tiếp tại cửa hàng dường như vắng bóng.

“Dù bỏ rất nhiều công sức, chi phí vào đầu tư cửa hàng bán đặc sản nhưng HTX buộc phải đóng cửa vì lượng khách du lịch đến tham quan thưa thớt. Trong khi dự báo năm tới, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm, đi du lịch của người dân”, chị Vương Ngọc Thảo cho biết.

Là một tỉnh miền núi, trong những năm qua, nhờ tập trung phát huy tiềm năng, phát triển nguồn lực tại chỗ nên kinh tế nông nghiệp các địa phương tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt, là sự vào cuộc của các HTX đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, liên kết bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản địa phương, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Bài 2: Đẩy mạnh công tác xúc tiến, dự báo thị trường

 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/bai-1-lam-giau-nho-tu-duy-moi-va-nong-san-dia-phuong-343331.html
Tin liên quan