Gặp khó vì quy định mới
Theo nguồn tin của Báo Công Thương, Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng về việc gặp khó khăn trong việc nhập khẩu giống từ các nước và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hà Lan để sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các khó khăn này phát sinh chủ yếu do một số cán bộ hải quan tại cửa khẩu Cát Lái và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chưa nắm rõ các quy định mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất giống hoa lan hồ điệp năm 2024 - 2025 và phát sinh thêm chi phí.
Nhiều nhà vườn tại Đà Lạt đang gặp khó khăn về nhập khẩu giống hoa lan hồ điệp. Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, suốt 10 năm qua, ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng với nhiều doanh nghiệp chuyên nhập khẩu trồng các loại hoa lan và các loại hoa khác không phải xin giấy phép Cites từ trong nước. Chỉ có duy nhất Công ty TNHH Apollo Việt Nam có xin giấy phép CITES trong nước cùng với giấy phép CITES từ nước xuất khẩu để trồng và tiếp tục xuất khẩu đi các nước khác, các doanh nghiệp còn lại chủ yếu tiêu thụ nội địa, nên khi nhập khẩu chỉ cần CITES từ nước xuất khẩu và CO, hóa đơn thương mại...
Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhấn mạnh, theo các quy định hiện hành, cụ thể là Thông báo số 25/TB-CTVN ngày 17/2/2023 của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, đã xác định rõ rằng các giống lan hồ điệp lai tạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của CITES. Tuy nhiên, các rào cản hành chính phát sinh do sự không thống nhất trong áp dụng quy định đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoang mang và không thể xác định kế hoạch sản xuất cho các năm tiếp theo.
Cần tập huấn các quy định mới
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Hoa Đà Lạt kiến nghị cơ quan hải quan và cơ quan quản lý CITES cần quy định rõ rằng, các giống lan hồ điệp lai tạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của CITES. Điều này nhằm tránh tình trạng yêu cầu giấy phép không phù hợp, gây ảnh hưởng không đáng có đến hoạt động nhập khẩu giống hoa. Đồng thời, các cơ quan thực thi cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành, tránh tình trạng áp dụng không nhất quán hoặc đưa ra các yêu cầu không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, cùng cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất về những quy định mới liên quan đến CITES. Điều này không chỉ giúp các đơn vị sản xuất hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình mà còn giảm thiểu các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phối hợp cùng hiệp hội để thực hiện các chuyến khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất hoa lan, nhằm nắm rõ tình hình và đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Liên quan đến những đề xuất của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ngày 31/12/2024, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I và Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tây Sơn Nhất xem xét và xử lý theo quy định hiện hành.
Việc tháo gỡ khó khăn cho ngành hoa lan hồ điệp không chỉ giúp ổn định sản xuất mà còn tạo điều kiện thuận lợi để ngành hoa Đà Lạt tiếp tục phát triển bền vững. Với sự đồng hành của các cơ quan chức năng, ngành hoa Đà Lạt hứa hẹn sẽ vượt qua thách thức, góp phần khẳng định vị thế của thương hiệu hoa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngành hoa lan hồ điệp tại Đà Lạt đã có lịch sử phát triển gần 20 năm, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế địa phương. Theo thống kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện có khoảng 50 doanh nghiệp và hộ nông dân trồng lan hồ điệp trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Hàng năm, ngành này nhập khẩu từ 10 - 15 triệu cây giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất trên diện tích hơn 70 ha hoa hồ điệp, đồng thời xuất khẩu hàng triệu chậu hoa ra thị trường quốc tế. |