Để thực hiện hiệu quả công tác dân vận, huyện Ea Kar đã tập trung kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, phân công cán bộ là người DTTS phụ trách những địa bàn có đông đồng bào DTTS nhằm hướng dẫn, hỗ trợ bà con giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến các chính sách; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm, “tín dụng đen”...
Tại xã Ea Đar, với 2 buôn đồng bào DTTS tại chỗ, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng phát huy vai trò “cầu nối” của các già làng, trưởng ban công tác mặt trận, cấp ủy, ban tự quản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
![]() |
Bà H’Râu Mlô (bìa phải), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Tơng Sinh, xã Ea Đar khảo sát mô hình chăn nuôi dê của người dân trong buôn. |
Tiêu biểu có thể kể đến bà H’Râu Mlô, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Tơng Sinh (xã Ea Đar). Để “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, bà H’Râu đã cùng với các đơn vị kết nghĩa, các ban, ngành, địa phương, tổ dân vận buôn bám sát cơ sở. Nhờ nắm rõ từng hộ, bà đã tuyên truyền, vận động người dân không tin, không nghe theo kẻ xấu, chăm lo làm ăn, nuôi dạy con cái, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống, tham gia đóng góp xây dựng các công trình công cộng, giữ gìn an ninh trật tự trong buôn.
Bà H’Râu còn chú trọng rà soát, phát hiện những nhân tố tích cực trong cộng đồng để tạo nguồn phát triển đảng viên; giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi phát triển các mô hình nuôi dê, bò; tuyên truyền, vận động phụ nữ trong buôn nuôi heo đất tiết kiệm để giúp nhau. Đến nay, Chi bộ buôn Tơng Sinh đã có 34 đảng viên, trong đó có 22 đảng viên là người DTTS. Buôn giữ vững ổn định, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Cùng với việc phát huy hiệu quả vai trò “cầu nối” trong công tác dân vận, Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Kar, các tổ chức cơ sở đảng, mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đã tích cực triển khai công tác kết nghĩa, điều động một số cán bộ, đảng viên tham gia cấp ủy, chi bộ nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các buôn đồng bào DTTS.
Đến nay, đã có 152 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học tham gia kết nghĩa với 26 buôn đồng bào DTTS tại chỗ, trong đó có 10 cơ quan của tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị của huyện đã kết nghĩa với 28 buôn và 1 thôn có đông đồng bào DTTS. Các xã, thị trấn, các tổ dân phố người Kinh cũng đã kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS.
Dân vận khéo đã tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ea Kar Vương Tấn Thành |
Sau khi được phân công kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã cử cán bộ khảo sát toàn diện tình hình của buôn, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình kết nghĩa phù hợp; thường xuyên liên hệ với địa phương nắm bắt tình hình, giúp đỡ buôn ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã tổ chức thăm, tặng quà, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ khó khăn của buôn, thực hiện tốt công tác phát động quần chúng; gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại cơ sở.
Đơn cử như buôn Mrông C (thị trấn Ea Kar) đã được Cục Hải quan Đắk Lắk, Văn phòng HĐND - UBND huyện Ea Kar, tổ dân phố 4 và Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (thị trấn Ea Kar) kết nghĩa từ năm 2004 đến nay. Đồng chí Vũ Như Anh, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Ea Kar cho biết, sau lễ ký kết, các đơn vị kết nghĩa đã phân công cán bộ về bám nắm tình hình của buôn, xây dựng mối quan hệ với cấp ủy, ban tự quản và bà con, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời báo cáo, tham mưu xử lý những vấn đề của buôn.
![]() |
Gia đình chị H'Plim Niê ở buôn Mrông C, thị trấn Ea Kar phát triển chăn nuôi bò từ con giống được đơn vị kết nghĩa hỗ trợ. |
Để giúp bà con phát triển sản xuất, các đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ giống cây trồng, trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng, thăm, tặng quà hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, Tết… Đặc biệt, các đơn vị đã trao tặng 6 con bò giống, đến nay đã phát triển lên 65 con, luân chuyển cho các hộ khó khăn trong buôn. Tổng số tiền các đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ buôn Mrông C trên 1,1 tỷ đồng.
Gia đình chị H’Plim Niê là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của buôn Mrông C. Sau khi mẹ qua đời, ba chị em H’Plim nương tựa vào nhau, mọi sinh hoạt chỉ trông vào mấy sào rẫy và đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Niềm vui đến với gia đình chị khi được Văn phòng HĐND - UBND huyện Ea Kar hỗ trợ bò giống. Chị H’Plim bộc bạch: “Nhờ được tặng bò “kết nghĩa” mà gia đình mình bớt khổ. Mình đã chuyển giao bò giúp thêm hộ nghèo khác của buôn, số còn lại để nuôi và bán bớt trang trải cuộc sống”.
Nguyễn Xuân