Khởi sắc xã Đoàn Kết

Xã Đoàn Kết thuộc vùng sâu của huyện Yên Thủy, có trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mường. Trong những năm qua, nhân dân luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương thoát khỏi diện khó khăn, hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới (NTM).

 

Mô hình nuôi lươn thương phẩm giúp người dân xóm Mền Liên Kết, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định.

Trong năm qua, xã Đoàn Kết đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, nổi bật là việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn, dự án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Xác định cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng, tạo đột phá cho phát triển, xã tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để hoàn thiện các tuyến đường liên xóm, liên xã, kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của huyện. Tính đến cuối năm 2023, qua lồng ghép các chương trình, xã đã bê tông hoá trên 12 km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao. Cùng với phát triển mạng lưới giao thông, xã tập trung giải quyết những khó khăn về vấn đề nước sinh hoạt. Đây là nguyện vọng, nhu cầu của nhiều người dân, bởi do đặc thù địa bàn, vào mùa khô, tại nhiều xóm xảy ra tình trạng khan hiếm nước sạch phục vụ sinh hoạt. Vì vậy, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đã hỗ trợ 53 téc nước inox loại 1.200 lít cho các hộ khó khăn. Ngoài ra, tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, nhân dân đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 3 nhà văn hoá thôn xóm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Song song với phát triển hạ tầng nông thôn, xã đẩy mạnh hướng dẫn người dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả từ tiềm năng, lợi thế của địa phương. "Xã phối hợp các phòng, ban của huyện tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, nhất là lao động thanh niên. Tạo điều kiện cho hộ dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế - xã hội thông qua tổ uỷ thác vay vốn của các hội, đoàn thể. Vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó liên kết với các công ty, doanh nghiệp để hướng tới sản xuất theo chuỗi sản phẩm", đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết thêm.

Với cách làm đó, đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 1 hợp tác xã liên kết sản xuất với Công ty TNHH T9 xây dựng vùng trồng ớt diện tích 6 ha, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Ngoài ra, từ mô hình hợp tác xã ban đầu, các hộ đã thành lập Công ty TNHH sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Thành Công chuyên nuôi và sơ chế lươn thành phẩm để xuất bán ra thị trường. Xã cũng xây dựng được 2 sản phẩm OCOP 3 sao là mật ong Đoàn Kết và lươn thương phẩm.

Từ sự năng động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, KT-XH xã Đoàn Kết có sự chuyển biến đáng kể. Năm 2023, thu nhập bình quân toàn xã đạt 55 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,09%. Đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số có bước khởi sắc. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành đã củng cố thêm lòng tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, góp phần đưa xã Đoàn Kết từ một xã khó khăn đã cán đích NTM và đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao.

 

Đinh Hòa

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/187536/Khoi-sac-xa-Doan-Ket.htm
Tin liên quan