Công ty thủy sản Hưng Nguyên, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có 150 lồng nuôi cá, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường hơn 200 tấn cá thương phẩm các loại.
Gia đình anh Dương Đức Anh, xóm Mới, xã Thung Nai (Cao Phong) đã có 8 năm nuôi cá lồng với quy mô 80 lồng nuôi, sản lượng hàng năm khoảng 40 tấn cá các loại. Tuy nhiên, thời điểm này gia đình anh chỉ duy trì 50 lồng nuôi, sản lượng trung bình khoảng 20 - 25 tấn cá thương phẩm/năm. Chia sẻ về việc không nuôi hết số lượng lồng nuôi, anh Đức Anh cho biết: Thị trường đầu ra đối với sản phẩm cá sông Đà chủ yếu là TP Hà Nội. Hiện nhu cầu của thị trường vẫn khá lớn, tuy nhiên, với mô hình hộ gia đình, việc đầu tư nuôi cá lồng đòi hỏi chi phí lớn, thời gian nuôi dài, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Vì vậy, gia đình tập trung nguồn lực để đảm bảo chất lượng cá thương phẩm với số lồng hiện có.
Cũng như hộ anh Đức Anh, không mở rộng quy mô sản xuất ồ ạt mà tập trung nguồn lực để phát triển nuôi cá lồng theo hướng nâng cao chất lượng cá thương phẩm, đảm bảo các quy trình VietGAP, an toàn thực phẩm đang là xu hướng của nhiều hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Anh Phạm Thế Tư, Công ty thủy sản Hưng Nguyên, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chia sẻ: Công ty có 150 lồng cá, sản lượng hàng năm khoảng hơn 200 tấn, chủ yếu nuôi các loại cá da trơn như lăng vàng, lăng đen, ngạnh, ngoài ra có trắm đen, cá diêu hồng… Để cho ra những sản phẩm chất lượng, công ty tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, nguồn nước nuôi cá được test mẫu nước thường xuyên đảm bảo vệ sinh, thức ăn của cá chủ yếu là cá tép dầu, cá nuôi đủ thời gian sinh trưởng, đảm bảo khi xuất ra thị trường thịt cá chắc, thơm ngon, giàu đạm.
Trong những năm qua, với diện tích mặt nước lớn, đặc biệt là vùng lòng hồ sông Đà, nuôi trồng thủy sản được đánh giá là một trong những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh của tỉnh. Năm 2022, với tổng sản lượng hơn 12 nghìn tấn, giá bán ổn định, thủy sản đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng ngành nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển theo hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành, góp phần đa dạng hóa cá thương phẩm tươi sống và cá sơ chế, chế biến sâu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nghề nuôi trồng thủy sản trong những năm qua tuy có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Việc đưa các giống cá có giá trị kinh tế, cá đặc sản vào nuôi trồng còn hạn chế do giá thành đầu vào con giống, thức ăn cao, trong khi người dân còn khó khăn về kinh phí đầu tư sản xuất. Toàn tỉnh có 4 cơ sở ương dưỡng cá giống, chủ yếu là cá truyền thống, chưa cung cấp được con giống có giá trị kinh tế cho nuôi lồng bè. Việc đăng ký lồng bè cho các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ do quy định về giao, cho thuê mặt nước. Sự liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn hạn chế, chưa có nhà máy chế biến bảo quản sau thu hoạch dẫn tới việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Với tiềm năng, lợi thế rất lớn từ vùng lòng hồ sông Đà, chúng tôi đã khảo sát và cho thấy trữ lượng nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ có thể đạt 16 nghìn tấn cá/năm. Đây là một lợi thế rất lớn vì nguồn nước hiện nay vẫn đảm bảo để nuôi cá. Thời gian tới, thông qua quy hoạch tổng thể của tỉnh, ngành thủy sản đã rà soát và xây dựng quy hoạch ngành thủy sản với mục tiêu sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, gắn với thị trường. Căn cốt nhất là phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng hồ.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ngành thủy sản chú trọng phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện sông Đà, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái vùng hồ. Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh, phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa dạng hoá giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản; tiếp tục duy trì diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đinh Hòa