Trồng ươi xen quế Trà My: Mô hình xen canh hiệu quả, tạo sinh kế lâu dài

Mô hình sáng tạo trồng cây ươi xen với quế Trà My tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã mở ra một hướng đi mới, tạo sinh kế lâu dài cho bà con nơi đây.

Hiệu quả kinh tế lớn

Thôn 4, Trà Dơn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) hiện có 66 hộ dân sống dựa vào rừng và cây quế Trà My.

Đây là thôn cách trở về giao thông nhất huyện. Người dân ở đây có ý thức cao đến việc bảo vệ và phát triển diện tích rừng tự nhiên, vì luôn nhận thức rõ rừng chính là nguồn sống bền vững nhất cho làng. Hiện nơi đây, mỗi hộ ít nhất cũng có trên một nghìn cây quế, hộ nhiều có cả chục héc ta với đủ các năm tuổi.

Ông Trần Ngọc Quý (ở làng Ông Thái, thôn 4, xã Trà Dơn) cho hay, vườn quế nhà ông đếm không xuể, ngoài quế của ông bà, cha mẹ để lại, ông còn mua thêm hàng chục héc ta quế của bà con trong làng để chăm sóc.

“Đối với người dân ở đây thì vẫn chưa đáng kể nếu muốn làm ăn lâu dài. Mười năm trở lại đây, bà con ở thôn 4 bắt đầu trồng thêm cây ươi, loài cây vốn được mọc nhiều ở những vùng núi cao, quả ươi có giá trị kinh tế rất lớn, ông Quý chia sẻ.

Trồng ươi xen quế Trà My: Mô hình xen canh hiệu quả, tạo sinh kế lâu dài
Vườn ươi xen quế Trà My của bà con mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Ảnh: P.T

Ở thôn 4, vườn ươi đầu tiên và lớn nhất là của ông Hồ Văn Xê (làng Ông Vanh). Vườn có khoảng 1.000 gốc ươi được trồng từ những năm 2000. Khi ấy, ông Xê là người đầu tiên của thôn trồng thử nghiệm cây ươi trong vườn quế. Đến nay ông đã thu hoạch được 2 mùa hạt, thu về hàng chục triệu đồng. “Cây ươi vốn thích nghi tốt với khí hậu, núi rừng ở Nam Trà My, nên mình chỉ việc nhặt hạt về ươm, nhổ cây con về trồng tại vườn, rồi ươi và quế tự bảo vệ, che nắng che mưa cho nhau để phát triển, không tốn công nhiều nhưng hiệu quả kinh tế thì lại rất lớn”, ông Xê nói.

Thấy được hiệu quả từ vườn ươi mang lại, hiện 66 hộ dân ở đây đều có vườn ươi trồng xen với cây quế. Vườn nhỏ nhất cây cao khoảng 1-2m, vườn lớn nhất cây cao hơn chục mét, kỳ vọng sẽ là cây làm giàu trong bà con nơi đây trong vài năm tới.

Hướng đi bền vững, lâu dài

Với mức giá dao động 65 - 80 nghìn đồng/ký quế vỏ và 300 nghìn đồng/kg ươi khô như hiện nay, các hộ thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng theo mùa. Đời sống người dân dần được cải thiện.

Theo ông Trần Ngọc Quý, nhiều năm trước do thấy cây ươi bị đốn hạ nhiều, bà con trong thôn ai nấy cũng xót xa, nên ông có ý tưởng trồng lại ươi tại vườn, để bà con tự tay quản lý, thu hoạch, không để ươi bị ai chặt phá.

“Trồng ươi cũng có cái hay, trước đây bà con thường phát dọn cây để làm ranh giới giữa các vườn với nhau, nhưng giờ bà con không làm như thế nữa, thay vì phát cây rừng thì chúng tôi trồng ươi thành hàng để làm ranh giới tự nhiên, nhận biết giữa các vườn với nhau”, ông Quý nói.

Trồng ươi xen quế Trà My: Mô hình xen canh hiệu quả, tạo sinh kế lâu dài
Việc xen canh cây ươi và quế vừa giúp bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: P.T

Chủ tịch UBND xã Trà Dơn Hồ Văn Lợi cho hay, bà con thôn 4 đã ý thức được việc bảo vệ loài cây ươi nên đã trồng trên quy mô lớn dù việc trồng ươi xen quế Trà My không phải là chủ trương của xã.

“Với tốc độ phát triển gần như tương đương nhau, tầm 7 - 10 năm là có thể thu hoạch, lại có khả năng bảo vệ nhau trước thiên địch, trước thời thiết nắng mưa, hai loài cây này có thể cùng tồn tại, cùng phát triển nếu được bảo vệ và chăm sóc tốt. Đây không những là việc phủ xanh rừng mà còn góp phần hiệu quả vào việc phát triển kinh tế định hướng lâu dài, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, nghĩ lâu, nghĩ dài của nhân dân thôn 4”, ông Lợi nói.

Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết bên cạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo hiệu quả, huyện Nam Trà My còn triển khai nhiều mô hình kinh tế hết sức thiết thực như: nuôi dê sinh sản tập trung có chuồng trại, nuôi heo đen, lấy ngắn nuôi dài với việc trồng sâm nam nuôi sâm Ngọc Linh, hay trồng sắn xen canh quế Trà My, bước đầu mang lại tín hiệu tốt.

“Việc người dân thôn 4 triển khai mô hình trồng ươi xen quế, đây đều là những cây dài ngày cho thấy một hướng đi mới, mang tính lâu dài và đạt được nhiều mục tiêu lớn, trong đó trọng tâm là vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế của địa phương”, ông Hưng nhấn mạnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả mở rộng phát triển quế Trà My đảm bảo mục tiêu bảo tồn, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch kiểm tra thực hiện cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My; đồng thời đăng ký nhu cầu vốn, tham mưu hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, giúp các địa phương thuận lợi trong việc mở rộng diện tích cây trồng.

Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích trồng quế toàn tỉnh Quảng Nam đạt khoảng 12.610ha (Nam Trà My 10.108ha; Bắc Trà My 1.367ha; Phước Sơn 746ha và Tiên Phước 389ha).

 
Tác giả: Thiên Huy
Nguồn: https://congthuong.vn/trong-uoi-xen-que-tra-my-mo-hinh-xen-canh-hieu-qua-tao-sinh-ke-lau-dai-258834.html
Tin liên quan