Xây dựng thương hiệu dê vùng cao Đà Bắc

Với lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để nhân dân huyện Đà Bắc phát triển mô hình chăn nuôi dê. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư, đưa nuôi dê trở thành mô hình chủ lực để nâng cao thu nhập, hướng đến xây dựng thương hiệu dê vùng cao Đà Bắc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình chăn nuôi dê tại xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Tận dụng vách núi làm chuồng nuôi, sử dụng bạt che chắn... là cách làm hiệu quả của anh Đinh Văn Bằng ở xóm Rằng, xã Cao Sơn khi bắt tay vào phát triển mô hình chăn nuôi dê. Với hình thức nuôi bán chăn thả giúp gia đình anh giảm được chi phí thức ăn và công chăm sóc. Hiện nay, anh duy trì đàn dê trên 20 con, trong đó 2/3 là dê sinh sản. Với chu kỳ sinh sản 2 - 3 lứa/năm, anh Bằng xuất bán ra thị trường hàng năm khoảng 30 con dê, giá bán dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, tổng thu từ mô hình ước đạt trên 80 triệu đồng. Anh Bằng chia sẻ: "Gia đình tôi phát triển đa dạng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi tổng hợp, mục đích "lấy ngắn, nuôi dài”. Chăn nuôi dê được xác định là mô hình kinh tế chủ lực bởi lợi nhuận cao, giá thành ổn định hơn so với chăn nuôi lợn, gà. Quá trình chăn nuôi cũng thuận tiện bởi nguồn thức ăn sẵn có trên đồi, không đòi hỏi kỹ thuật cao”.

Tại xã Tú Lý, mô hình chăn nuôi dê phát triển hiệu quả với tổng đàn gần 600 con, có 97 hộ chăn nuôi tập trung tại 12 xóm. Phần lớn hộ dân duy trì chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả để giảm chi phí nhân công và tận dụng nguồn thức ăn tại địa phương. Một số gia đình có thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm, như hộ các anh: Đặng Văn Nam, Nguyễn Văn Đông, Đinh Văn Thuận…

Trong bối cảnh chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá thành không ổn định thì chăn nuôi dê được xem là hướng đi mới, giúp hộ chăn nuôi nâng cao thu nhập. Thực tế cho thấy, huyện Đà Bắc có địa hình tự nhiên, khí hậu, nguồn thức ăn dồi dào thuận lợi cho chăn nuôi dê. Theo rà soát, toàn huyện hiện có tổng đàn dê gần 8.500 con, đạt 101,72% kế hoạch. Tập trung chủ yếu tại các xã: Nánh Nghê, Mường Chiềng, Vầy Nưa, Tú Lý, Toàn Sơn, Tân Minh, Hiền Lương, Tiền Phong… Qua quá trình chăn nuôi, các hộ đánh giá thời gian sinh trưởng của dê khá ngắn, tốc độ sinh sản nhanh. Nếu nguồn cung - cầu và giá thành ổn định thì chăn nuôi dê sẽ trở thành mô hình giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Phòng NN&PTNT đã chủ động tham mưu UBND huyện Đà Bắc tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai tới các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn. Thông qua nguồn vốn sinh kế từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ nhân dân về con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ và quảng bá sản phẩm trên mạng internet.

Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc nhận định: "Chăn nuôi dê là mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Để phát triển và nhân rộng mô hình, Phòng NN&PTNT chủ động tham mưu UBND huyện có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ nhân dân. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê, phun khử trùng tiêu độc, đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Tiếp tục huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép nhằm đẩy mạnh phát triển đàn dê. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo mối liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương để giúp nhân dân huyện vùng cao Đà Bắc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đức Anh

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/196139/Xay-dung-thuong-hieu-de-vung-cao-Da-Bac.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật