Nông dân cần đề phòng rầy nâu trên lúa Thu Đông (Ảnh tư liệu)
Cụ thể, hiện diện tích lúa Hè Thu bị nhiễm rầy nâu của toàn vùng gần 32.000ha, tăng 22.314ha, với mật số rầy phổ biến từ 1.000-1.500 con/m2, nơi cao có mật số từ 3.000-5.000 con/m2 (có khoảng 1.000ha nhiễm). Từ tình hình trên sẽ là nguồn nguy cơ rất lớn ảnh hưởng sang vụ lúa Thu Đông đang được nông dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL xuống giống.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu bẫy đèn của ngành Nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL vừa mới thu thập thì Cục Bảo vệ thực vật dự báo các đỉnh cao rầy nâu di trú trong vụ lúa Thu Đông năm nay sẽ rơi vào từ tháng 7-9 và thời điểm rầy nâu biến động nhiều là từ ngày 8-16 mỗi tháng. Trong đó, lưu ý số lượng rầy nâu sẽ di trú nhiều sang lúa Thu Đông vào thời gian cao điểm thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Đồng thời, đây cũng là thời điểm trùng với cao điểm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của rầy di trú mang nguồn bệnh từ cánh đồng này sang cánh đồng khác và ngược lại.
Do đó, để hạn chế diện tích lúa Thu Đông bị nhiễm rầy nâu cũng như bảo đảm vụ lúa đạt thắng lợi trên các mặt, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân và ngành Nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL cần theo dõi sát sao tình hình và thực hiện tốt những giải pháp quản lý kịp thời, phòng trừ hiệu quả.
Tại Long An, hiện ngành Nông nghiệp ghi nhận toàn tỉnh có hơn 560ha lúa Hè Thu và gần 200ha lúa Thu Đông bị nhiễm rầy nâu, phân bố ở hầu hết các địa phương. Hiện tại, rầy nâu chủ yếu ở tuổi 2-4 nên cán bộ nông nghiệp các địa phương thường xuyên kiểm tra mật số rầy nâu ở tất cả trà lúa, nhất là ở giai đoạn làm đòng và trổ chín. Khi phát hiện mật số cao trên 3.000 con/m2 thì hướng dẫn nông dân tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị và khi phun phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”.
Theo dự báo, rầy cám tuổi 3-4 sẽ xuất hiện trong thời gian tới và tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh./.
Minh Tuệ