|
  • :
  • :

Đời sống đi lên nhờ nông thôn mới

Nhờ việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của các hợp tác xã, tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp mà bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân trên địa bàn Long An ngày càng khởi sắc,...

Hướng đi đúng đắn

Là xã nông thôn mới nâng cao (NTMNC), thời gian qua, Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành) không ngừng tập trung nâng chất các tiêu chí, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Dương Xuân Hội chủ yếu sản xuất thanh long. Hiện tại, xã có 587ha thanh long, trong đó có 380ha thanh long thực hiện ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) với 548 hộ tham gia thông qua HTX Thanh long Dương Xuân và 86ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Ước tính, sản lượng đạt 30 tấn/ha/năm.

2ha thanh long VietGAP của ông Nguyễn Văn Hội cho trái to, năng suất cao

Nhận thấy, để tăng năng suất cũng như chất lượng trái thanh long, HTX Thanh long Dương Xuân tập trung vận động, hướng dẫn người dân sản xuất thanh long ƯDCNC với các mô hình như sản xuất thanh long theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý cành thanh long sau cắt tỉa; sử dụng đèn compact ánh sáng đỏ trong xử lý thanh long ra hoa nghịch vụ; ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên thanh long.

HTX Thanh long Dương Xuân hiện có 115 thành viên. Hàng năm, HTX tổ chức cho thành viên học nghề, tập huấn quy trình sản xuất thanh long ƯDCNC, trao đổi khoa học - kỹ thuật (KHKT), hội thảo mô hình điểm, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất,... để giao lưu, cập nhật kiến thức mới ứng dụng vào sản xuất.

Đến thăm vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Hội (ấp Vĩnh Xuân A), vụ mùa này, vườn ông có khoảng 5 tấn thanh long trái đang chín đỏ, to, tròn được HTX Thanh long Dương Xuân chào mua với giá khoảng 17.000 đồng/kg. Ông Hội trồng thanh long ruột trắng được 10 năm và phá bỏ. Chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, ông được HTX hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo VietGAP, vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại, tỉa cành, phát hiện nhanh sâu, bệnh và xử lý, kỹ thuật sử dụng phân bón, tuân thủ đúng thời gian cách ly của từng loại thuốc, làm quen với việc ghi chép sổ nhật ký tính toán hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP mà vườn thanh long 4 năm tuổi của ông sạch sẽ, trái đẹp, cho năng suất cao. Mỗi trái đạt từ 700g trở lên, ít sâu, bệnh.

Đường vào Khu sản xuất tập trung ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành được tỉnh đầu tư mở rộng, lắp đèn đường

Ông Hội chia sẻ: “Khi trồng, tôi đầu tư luôn hệ thống tưới nước tự động 3 trong 1. Tưới thanh long giờ chỉ cần “bấm nút” chứ không còn vất vả tưới từng cây như trước. Nhờ vậy mà tiết kiệm chi phí, công sức rất nhiều”.

Có thể thấy, nhờ ƯDCNC mà nông dân đỡ vất vả hơn, giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Tính đến nay, bình quân thu nhập đầu người ở xã là 65 triệu đồng/năm (so với trước khi đạt NTM chỉ 17 triệu đồng/năm), chất lượng cuộc sống người dân giờ đây cải thiện rất nhiều.

Giám đốc HTX Thanh long Dương Xuân - Phan Thanh Sơn cho biết, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân rộng diện tích thanh long VietGAP, phấn đấu đến cuối năm đạt 100ha.

Mô hình sản xuất hiệu quả

Xã Tân Lân, huyện Cần Đước đã hoàn thành các tiêu chí NTMNC, đang trong giai đoạn chờ công nhận. Là xã thuộc vùng hạ của huyện, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường, gắn ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Các lớp chuyển giao KHKT, đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi, các tổ liên kết sản xuất, THT, tổ nghề nghiệp,... được tổ chức thường xuyên giúp người dân tiếp cận kỹ thuật nuôi, trồng mới. Nhiều điển hình tiêu biểu trong việc đổi mới, ứng dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi xuất hiện trên địa bàn xã như mô hình trang trại lạnh của ông Dương Văn Tỷ (ấp Bà Chủ), ông Lê Văn Chôm (ấp Ao Gòn) mang về lợi nhuận hàng tỉ đồng/năm.

Sau thời gian hoạt động mang lại hiệu quả, Tổ hợp tác Xe nhang tại ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước phát triển thêm thành viên, mua sắm nhiều máy móc phục vụ cho sản xuất

Bên cạnh đó, xã Tân Lân chú trọng phát triển sản xuất tập thể và hình thành chuỗi hàng hóa. Toàn xã hiện có 3 HTX, 5 THT kinh tế và 7 tổ nghề nghiệp. Các HTX, THT đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn xã, góp phần nâng cao đời sống của người dân. HTX Chăn nuôi Tân Mỹ và HTX Chăn nuôi Ao Gòn đã được chứng nhận VietGAP, đang xây dựng chuỗi giá trị, công nghệ an toàn sinh học, an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, THT Xe nhang (ấp Xóm Chùa) cũng mang đến cho thành viên nguồn thu nhập khi nhàn rỗi. Ban đầu, THT này chỉ có 7 thành viên, sau thời gian hoạt động mang lại hiệu quả, số thành viên tăng đến hơn 30 người. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lân - Bùi Văn Rớt, công việc xe nhang tương đối đơn giản, có thể tận dụng lao động lớn tuổi, nhàn rỗi tại địa phương, lại có nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, thành viên THT có thể làm việc tại cơ sở với mức lương cố định 5-7 triệu đồng/người/tháng hoặc nhận gia công sản phẩm tại nhà với mức thu nhập từ 200.000-250.000 đồng/ngày/hộ. Ông Rớt cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, THT đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi khó khăn, nâng cao thu nhập”.

Ngoài ra, xã Tân Lân còn nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống của người dân bằng việc phát triển hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi, điện,... 100% tuyến đường xã được nhựa hóa, đường ngõ xóm được cứng hóa và trục nội đồng được cứng hóa, bêtông hóa.

Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người tại Tân Lân đạt 65,32 triệu đồng/năm. Toàn xã có 33 hộ nghèo, chiếm 1,05%. Với những kết quả đó, Tân Lân đã chứng minh tính thiết thực, hữu ích của phong trào xây dựng NTM, NTMNC. Điều đầu tiên dễ thấy nhất tại Tân Lân chính là đời sống kinh tế và bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi./.

Mộc Châu - Hà Lan

Nguồn: https://baolongan.vn/doi-song-di-len-nho-nong-thon-moi-a120693.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin