|
  • :
  • :

Đưa sản phẩm OCOP “vươn xa” thông qua thương mại điện tử

Đưa sản phẩm OCOP “vươn xa” thông qua thương mại điện tử là một giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại giúp sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng.

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), ông có thể chia sẻ kết quả của Chương trình đối với sự phát triển kinh tế nông thôn?

Đúc kết từ các bài học kinh nghiệm và yêu cầu của thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Đề án/Kế hoạch Chương trình OCOP của tỉnh. UBND các tỉnh đã giao nhiệm vụ, hình thành bộ máy triển khai Chương trình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện.

Đưa sản phẩm OCOP “vươn xa” thông qua thương mại điện tử
Ngày hội livestream sản phẩm OCOP Hà Nội

Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, có sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương trên cả nước. Sau gần 04 năm, cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao, 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao.

Bên cạnh những mặt tích cực còn có những khó khăn. Bởi lẽ, đây là chương trình mới, tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất, nhiều nhóm sản phẩm, do đó, trong quá trình chỉ đạo sản xuất thì bản thân ở các địa phương cũng có sự lúng túng nhất định. Có địa phương đến năm 2021 mới ra được kế hoạch triển khai Chương trình. Bên cạnh đó, các cơ sở chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, gia truyền, nhưng khi tham gia vào Chương trình OCOP thì phải đi theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cần có sự đổi mới trong phương thức, tổ chức sản xuất. Do đó, cách tiếp cận của các chủ thể cũng bị lúng túng.

Mặt khác, Chương trình OCOP ra đời trong bối cảnh giữa giai đoạn 2016-2020, do đó, nguồn lực, điều kiện hỗ trợ của các địa phương cho chủ thể sản xuất Chương trình OCOP cũng gặp những khó khăn nhất định.

Đối với vấn đề xúc tiến thương mại, chúng ta chưa có một hệ thống đồng bộ, trong bối cảnh chúng ta vừa ứng phó với dịch bệnh Covid-19, việc này lại càng thể hiện rõ, khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dẫn đến nhiều địa phương, cơ sở sản xuất sản phẩm của các chủ thể OCOP bị đình trệ, khó tiêu thụ sản phẩm.

Được biết, Đề án "Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" đang được xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn mới, Chương trình sẽ tập trung trung vào các giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các giai đoạn cuối cùng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Đưa sản phẩm OCOP “vươn xa” thông qua thương mại điện tử
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Trong Chương trình mới này, chúng tôi đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đưa ra các nội dung và giải pháp trên cơ sở tiếp tục phát huy những mặt mạnh của Chương trình OCOP giai đoạn vừa qua và khắc phục các tồn tại hạn chế để từ đó đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ hơn để góp phần thúc đẩy hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia có hiệu quả hơn.

Trong đó, một trong những giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất chúng tôi cho rằng, các chủ thể OCOP phải là những người đầu tiên có sự sáng tạo trong quá trình sản xuất của mình. Họ phải tư duy, nghiên cứu và phải trên cơ sở hiểu biết về tiềm năng, lợi thế của địa phương để từ đó đưa ra các ý tưởng để tạo ra được các sản phẩm mới trong quá trình sản xuất.

Mặt khác, Chương trình OCOP là sản phẩm địa phương, do đó, việc phát huy được giá trị lợi thế đặc sản của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa bản địa là hết sức quan trọng. Bởi để sản phẩm OCOP bán với giá cao bên cạnh vấn đề chất lượng thì người tiêu dùng còn quan tâm tới câu chuyện sản phẩm và giá trị văn hóa trong đó.

Ngoài ra, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương.

Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, trong đó, các cơ quan lý nhà nước sẽ là các cơ quan nối dài, hướng dẫn hỗ trợ cho các chủ thể OCOP cùng phối kết hợp với các tập đoàn, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ đó, đưa các sản phẩm OCOP của các chủ thể, các địa phương không chỉ bó hẹp trong phạm vi của địa phương mình mà rộng hơn là từ địa phương này sang địa phương kia và hướng tới các sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua các kênh, các sàn thương mại điện tử. Đây sẽ là một nội dung rất quan trọng để góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho các chủ thể OCOP.

Trở lại câu chuyện xúc tiến thương mại gắn với việc nâng cao giá trị cho các sản OCOP, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Tập huấn và tổ chức các diễn đàn để các chủ thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau là một trong những giải pháp. Theo tôi, không có gì hay và thiết thực bằng việc các chủ thể thành công sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho các chủ thể mới. Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các diễn đàn theo nhóm vấn đề. Ví dụ như từng loại sản phẩm ở địa phương này làm tốt thì sao tại địa phương khác lại chưa làm được.

Có một thực tế là có những sản phẩm đã được đánh giá công nhận và gắn sao OCOP nhưng trong quá trình sản xuất, tiêu thụ lại không đảm bảo được vấn đề chất lượng đầu ra. Vậy có những quy chế nào để giám sát việc này, thưa ông?

Việc chúng ta công nhận và gắn sao sản phẩm OCOP là một quá trình vất vả và khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu của tiêu chí. Việc giữ được chất lượng sản phẩm OCOP theo “sao” mà chúng ta đã công nhận lại là việc khó khăn. Trên thực tế, có một số nơi, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có hiện tượng suy giảm về chất lượng và “tụt” tiêu chí yêu cầu. Ví dụ như Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 5 sản phẩm sau khi kiểm tra đánh giá.

Do đó, với việc giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thường xuyên kiểm tra, thanh tra là rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, các đơn vị tăng cường tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở, các chủ thể. Có như vậy mới cùng họ giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP đã được gắn sao.

Xin cám ơn ông!

Hoạt động xúc tiến thương mại qua hội chợ triển lãm trong nước vẫn được đánh giá là cách làm hiệu quả. Qua đây, chủ thể có cơ hội trực tiếp gặp gỡ khách hàng để đàm phán kinh doanh hoặc nghe phản hồi từ thị trường. Đối với thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại tại ngước ngoài một cách chủ động sẽ giúp chủ thể mở rộng cơ hội thị trường, chuẩn hóa sản phẩm OCOP cho thị trường xuất khẩu.
Nguyễn Hạnh
 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/dua-san-pham-ocop-vuon-xa-thong-qua-thuong-mai-dien-tu-181060.html