|
  • :
  • :

Khi nông dân dám nghĩ, dám làm

Thời gian qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới được hội nông dân các cấp huyện Yên Dũng triển khai sâu rộng. Thông qua đó phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng của người nông dân. 

Mô hình tiêu biểu

Với mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản từ năm 2013, kết hợp nuôi chim bồ câu cho thu nhập tiền tỷ, ông Vũ Văn Nghiên (SN 1971) ở tổ dân phố Thượng, thị trấn Tân An là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tiêu biểu nhiều năm qua. 

Để mô hình vận hành hiệu quả, ông đi tham quan, học tập ở nhiều trang trại; tranh thủ tìm kiếm tài liệu, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật từ hội nông dân huyện, xã. Từ những kiến thức học hỏi được, ông đầu tư lắp đặt hệ thống phun nước tạo khí tự động cho diện tích nuôi thủy sản; chủ động trong việc lựa chọn cá giống, phương pháp nuôi, phòng bệnh.

Bắc Giang, nông dân, dám nghĩ,  dám làm

Bà Dương Thị Xuân (bên phải) giới thiệu sản phẩm bưởi Diễn.

Nhờ vậy, với 5 ha mặt nước, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 37 tấn cá các loại. Tận dụng tối đa diện tích trang trại, gần đây ông quyết định nuôi thêm chim bồ câu với quy mô 5 nghìn đôi bố mẹ. Mỗi năm thu được 45 nghìn đôi chim thương phẩm, giá trung bình 120 nghìn đồng/đôi. 

Theo tính toán, trừ chi phí, mô hình trang trại thủy sản kết hợp chim bồ câu mang lại cho gia đình khoản thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nghiên cho biết, bên cạnh việc làm giàu chính đáng, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 19 lao động, với mức lương từ 6,5 triệu - 8 triệu đồng/người/tháng.

Ở thôn Tiên Phong, xã Nội Hoàng, bà Dương Thị Xuân (SN 1956) là người mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Với diện tích vườn rộng 3 ha, hơn chục năm qua bà trồng cây ăn quả, trong đó bưởi là cây chủ lực với hơn 2 nghìn cây. Đặc biệt, toàn bộ diện tích trồng bưởi được lắp đặt hệ thống phun tưới tự động và chăm sóc theo hướng hữu cơ. 

Để bảo đảm chất lượng quả, tránh sâu bệnh, bà thận trọng, tỉ mỉ buộc túi bóng vào từng quả ngay từ khi mới ra. Cùng với cây ăn quả, bà nuôi thêm ong, đào ao thả cá với diện tích hàng nghìn m2. Mô hình tổng hợp này giúp gia đình thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi năm.

Lan tỏa phong trào

Ông Lại Thành Dương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Xác định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp hội thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm. 

Khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Từ phong trào, nhiều hộ phát triển thành doanh nghiệp, công ty tư nhân, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn”.

Thực tế hơn 5 năm qua, hội nông dân các cấp phát động và chỉ đạo thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với các phong trào thi đua, hoạt động như: Xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tập huấn, hội thảo, đào tạo nghề... gắn với tuyên truyền, tư vấn kỹ thuật ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Đồng thời phối hợp thực hiện tốt các hoạt động tư vấn và dịch vụ hỗ trợ cho nông dân. Đã xây dựng 4 nhãn hiệu sản phẩm, 3 tem truy xuất nguồn gốc, có 5 sản phẩm OCOP. Hội cũng tích cực quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý 169 tổ tiết kiệm, vay vốn, với tổng số dư nợ hơn 359 tỷ đồng. Tỷ lệ các tổ vay vốn đạt loại tốt chiếm 98% trở lên.

Với những cách làm trên, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ. Giai đoạn 2016-2021, toàn huyện có gần 54 nghìn lượt hộ đạt tiêu chuẩn hộ SXKD giỏi 4 cấp. Trong đó có nhiều mô hình sáng tạo, đổi mới, ứng dụng công nghệ cao như: Nhà lưới trồng rau sạch của ông Trần Xuân Đăng, xã Trí Yên; chế biến cao dược liệu của ông Nguyễn Văn Học, thị trấn Tân An. 

Một số mô hình nông nghiệp an toàn cho thu nhập cao như: Chăn nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Văn Hương, xã Quỳnh Sơn và các bà Nguyễn Thị Giang, Ngụy Thị Xuân, xã Tiến Dũng; chăn nuôi gà đẻ có hộ ông Hoàng Văn Tân, xã Xuân Phú; sản xuất đồ mộc của hộ ông Hoàng Cao Phong, xã Lãng Sơn...

Điểm đáng mừng là phong trào được duy trì và phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế, thu hút nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, phát triển ngành nghề. Chẳng hạn, đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu, sản phẩm hàng hóa, sản phẩm thế mạnh... để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. 

Hay như xây dựng các nhãn hiệu, sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như: Tương La Trí Yên; gạo thơm Yên Dũng; rau sạch Yên Dũng; mỳ, bánh đa Cảnh Thụy... Những kết quả đó góp phần quan trọng, cùng toàn huyện hoàn thành mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2021.

Bài, ảnh: Quốc Trường

 

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/375693/khi-nong-dan-dam-nghi-dam-lam.html