|
  • :
  • :

Nghệ An: Nhân rộng diện tích khoai tây trên vùng đất cát

Mở rộng diện tích

Từ năm 2019, trên cơ sở kết nối của Sở Khoa học và Công nghệ về nghiên cứu, ứng dụng giống và chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, cây khoai tây được trồng thử nghiệm và đã mang lại thành công tại vùng đất Diễn Châu. Từ vài chục héc-ta ban đầu ở vùng Diễn Phong, Diễn Thịnh, cây khoai tây đã mở rộng lên hàng trăm héc-ta tại vùng bãi ngang Diễn Châu, vùng đất bãi các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương... Năm 2022, được sự đồng ý của tỉnh và các địa phương, diện tích vùng nguyên liệu tiếp tục được doanh nghiệp mở rộng bằng chính sách hỗ trợ về giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Cùng với vun xới, vào thời tiết hanh khô, người dân Diễn Hùng, Diễn Châu tưới nước thường xuyên để hạn chế sương muối làm hại lá khoai tây. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Anh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, sự kết nối của doanh nghiệp, Trung tâm đã phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức tập huấn, vận động bà con. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, các HTX mạnh dạn đứng ra kết nối với doanh nghiệp và đưa giống khoai tây về trồng. Đến thời điểm này, sau 1 tháng xuống giống, mặc dù diện tích trồng mới chỉ hơn 5 ha, nhưng có thể thấy đây là cây trồng vụ đông khá tiềm năng và được bà con đánh giá cao.

Vườn khoai tây của bà Hồ Thị Diên, xóm 7, xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu.mới xuống giống hơn 1 tháng nhưng gặp phải trận mưa lớn từ 23-25/11/2022 - Ảnh: Nguyễn Hải

Trao đổi với một số hộ dân trồng khoai tây tại xã Quỳnh Minh và xã Quỳnh Nghĩa, chúng tôi nhận thấy, các hộ đã làm nhiều cây rau màu nên cũng không bỡ ngỡ lắm với cây khoai tây. Điều mà người dân quan tâm khi nhận làm mô hình là đảm bảo đầu ra được ổn định, để bà con có thêm lựa chọn và đa dạng hóa cây màu trong vụ đông - xuân.

Bà Hồ Thị Diên ở xóm 7, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cho hay: Nhà có 2 sào đất bãi, được HTX vận động nên vụ này dành 1 sào làm khoai tây trắng. Được HTX hướng dẫn đăng ký, Công ty cấp giống và bao tiêu sản phẩm nên yên tâm hơn; các năm trước, gia đình cũng như một số gia đình làm khoai Tây vàng, mỗi sào thu hoạch từ 1,3-1,5 tấn nên ngồi ngoài chợ bán cả tháng mới hết, trồng rau màu thì ế ẩm.

Tương tự, tại xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) lâu nay người dân vùng đất bãi bồi ven sông chỉ quen trồng ngô sinh khối, đậu tương hoặc lạc xuân sớm để kịp luân canh gối vụ. Tuy nhiên, năm nay được sự động viên của huyện và xã, bà con xóm Đại Đồng cũng mạnh dạn đăng ký nhận giống khoai tây đưa về trồng. Ông Nguyễn Hữu Tình - Trưởng thôn Đại Đồng, xã Thượng Tân Lộc cho biết: Khoai tây mới xuống giống gần 2 tháng, kế hoạch ban đầu trồng 6 ha nhưng do mưa lụt nên chỉ trồng được 4 ha. Khoai tây rất dễ chăm sóc, chi phí ít, ông cũng như bà con mong loại cây trồng mới thành công để nhân rộng thêm.

Khó khăn cần được bổ cứu

Ông Hồ Mậu Tuấn - Giám đốc HTX Nông - diêm nghiệp Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) cho biết: Lâu nay, bà con đã trồng khoai tây vàng để bán tiêu dùng, còn giống khoai tây do doanh nghiệp tài trợ giống là khoai tây trắng… Vì vậy, cách thức chăm sóc cũng khác và bà con băn khoăn nếu công ty không mua hết thì bà con có bán ra ngoài được không?

Các vùng đất cát bãi Ngang ven biển Quỳnh Lưu và Diễn Châu khá phù hợp với cây khoai tây. Ảnh: Nguyễn Hải

Cũng theo đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, qua khảo sát, vùng đất cát bãi ngang ven biển khá phù hợp với cây khoai tây nhưng hạn chế là diện tích còn manh mún, chưa tập trung nên đầu tư hệ thống bơm tưới rất khó. Khoai tây không chịu được ngập úng nhưng khi thời tiết hanh khô thì phải tưới nước thường xuyên để bộ rễ củ phát triển và hạn chế sương muối…

Thực tế vụ đầu tiên làm thử nghiệm tại huyện Quỳnh Lưu cho thấy, mặc dù xuống giống muộn và “né” được trận mưa bão do bão số 4, nhưng lại gặp trận mưa lụt cuối mùa vào cuối tháng 11 nên đã ảnh hưởng khá nặng đến năng suất.

Mô hình trồng khoai tây xen cùng nhiều loại cây vụ đông khác của ông Hồ Bá Thăng - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Tại địa bàn Quỳnh Lưu, trong các ngày từ ngày 23-25/11 do mưa lớn trên 100 mm khiến 2/3 diện tích khoai tây bị ảnh hưởng nặng, một số diện tích mất giống. Ban đầu kế hoạch của của HTX Nông diêm nghiệp Quỳnh Minh đăng ký làm 3 ha, nhưng sau khi mưa làm 5 sào bị hỏng, bà con chỉ đăng ký 20 sào, trong đó HTX làm 15 sào và bà con làm 5 sào; một số diện tích đăng ký trước đây, do mất giống nên bà con chuyển sang làm rau màu.

Tại huyện Nam Đàn, mặc dù xuống giống từ đầu tháng 10 nhưng do lượng mưa lớn nên một số diện tích khoai tây cũng bị ảnh hưởng.

Quan sát tại các diện tích trồng khoai tây ở các xã Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Minh cho thấy, ngoại trừ diện tích khoai tây của HTX Nông diêm nghiệp Quỳnh Minh được làm trên vùng đất đã làm rau màu chuyên canh nên đầu tư hạ tầng khá bài bản, có hệ thống phun tưới, còn lại, các diện tích khoai tây trồng ngoài của các hộ dân khá manh mún và chưa có điện để phun tưới.

Thu hoạch khoai tây vụ đông năm 2021 ở xã Diễn Phong (Diễn Châu) năng suất từ 1,3-1,5 tấn/sào. Ảnh: Tư liệu Báo Nghệ An

Các kỹ sư trồng trọt cho biết: cây khoai tây cũng giống như cà chua khá nhạy cảm với sương muối, vào dịp đầu năm, vùng ven biển thường có sương muối nên bà con nông dân cần chú ý. Nếu không phát hiện và bơm rửa lá kịp thời thì cây lá sẽ bị lụi, ảnh hưởng đến năng suất.

Ông Nguyễn Văn Long - Công chức nông nghiệp xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) cho biết: Kinh nghiệm làm thử của bà con thôn Đại Đồng (xã Nam Tân trước đây) thì cây khoai tây cũng có thời gian sinh trưởng giống như một số cây màu vụ đông khác trên địa bàn, phải làm sớm để trúng vụ sát tết thì được giá và lãi 4-5 triệu đồng/sào/3 tháng. Thế nhưng, nếu gặp mưa lụt và sương muối, nếu không chăm sóc tốt thì nguy cơ thất bại rất cao.

Sau 1 lần xuống giống bị lụt làm hư hỏng, HTX Nông - diêm nghiệp Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) quyết định xuống giống lần 2 nhưng làm trong diện tích nhà màng để phun tưới cho thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặt khác, theo ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, giá giống là trở ngại lớn mỗi khi tính chuyện mở rộng diện tích. Năm vừa qua, mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ riêng cho khoai tây nhưng mức kinh phí chỉ 2,5 tỷ đồng chia ra trên toàn tỉnh là không đáng kể. Giá khoai tây thành phẩm bán trên thị trường chỉ 7.000- 8.000 đồng/kg nhưng khoai tây giống từ 21-22 ngàn đồng/kg. Mỗi sào cần khoảng 70 kg khoai tây giống, tương đương với 1,5 triệu đồng, đây là khoản chi phí không nhỏ đối với nông dân.

Khi trồng khoai tây, người dân được hỗ trợ 50% chi phí giống và doanh nghiệp đầu tư ứng trước cho nông dân theo nguyên tắc quy đổi, cung cấp 1 kg giống thì khi thu mua sẽ trả 2,7 kg khoai thành phẩm. Hiện tại do được nhà nước hỗ trợ 50% giống và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên người dân đang mạnh dạn làm thử nhưng nếu tỉnh, huyện không có cơ chế hỗ trợ và giá khoai tây giống vẫn quá cao như hiện nay thì cũng khó mở rộng diện tích.

Tác giả: Nguyễn Hải
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-nhan-rong-dien-tich-khoai-tay-tren-vung-dat-cat-post262748.html
Tags: Nghệ An
Tin liên quan
Chưa có thông tin