|
  • :
  • :

Nông dân ứng phó với giá vật tư nông nghiệp tăng

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp khiến giá nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao. Để giảm chi phí, ngành nông nghiệp, nông dân Bắc Giang có nhiều giải pháp ứng phó.

Hạ giá thành sản phẩm

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, giá phân bón tăng 40-50%; giống cây trồng tăng 10-15%; thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng 10-20%; thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản tăng 15-20%; thuốc thú y, thuỷ sản tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá bán một số mặt hàng nông sản lại giảm mạnh. Giá cá thương phẩm giảm 10-15%; thịt lợn hơi giảm từ 30-50%… đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.Để hạ giá thành sản phẩm, nhiều nông dân đổi mới cách làm thay cho phương pháp truyền thống. Ông Trần Văn Phú, thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) nuôi cá hơn chục năm nhưng chưa thời điểm nào gặp khó khăn như năm nay. Mặc dù liên kết với nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, có thương nhân bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng giá cám công nghiệp cho cá năm nay tăng cao, lợi nhuận người nuôi thu được chẳng đáng là bao. Vì vậy, ông sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Cỏ, thóc ủ mầm, rau củ làm thức ăn cho cá. 

“Hằng ngày, ngoài thức ăn tinh, tôi dùng một tạ thóc mầm cho cá, giảm được 4 bao cám công nghiệp, tiết kiệm hơn 800 nghìn đồng/ngày”, ông Phú nói. Sử dụng 10 ha mặt nước, chia làm 4 ao nuôi luân phiên, ông Phú đầu tư máy phối trộn thức ăn tự chế; chủ động ương giống để phục vụ tại chỗ, tránh phụ thuộc và rút ngắn thời vụ, đồng thời hạ tỷ lệ nuôi cá rô phi trong cơ cấu đàn để ít phải sử dụng thức ăn công nghiệp. Dự kiến năm nay gia đình ông Phú thu được hơn 100 tấn cá các loại, ước lãi khoảng 200 triệu đồng.

Tương tự, tận dụng nguồn phân từ đàn dê gần 500 con, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, thôn Ngọc Mai, xã Chu Điện (Lục Nam) ủ thành phân hữu cơ trồng dưa trong nhà màng. Theo anh Tiến, nhờ dùng phân bón đã ủ hoai mục, mỗi lứa dưa giảm được khoảng 30 triệu đồng tiền phân bón, không phải làm giá thể trồng dưa. Hơn nữa, đất được cải tạo, tăng độ phì nhiêu, dưa bền cây, kéo dài thời gian cho quả. Mỗi vụ dưa, anh Tiến thu 8-10 tấn, trừ chi phí lãi hơn 170 triệu đồng/vụ (khoảng 3 tháng/vụ).

Tăng cường sản xuất hữu cơ

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp (VTNN) tăng cao là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nhiều nông dân đã năng động, chủ động áp dụng biện pháp giảm giá thành sản xuất. 

Để tiếp tục thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch Covid-19, ngành đã đề nghị các huyện, TP tuyên truyền, khuyến cáo nông dân mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh; sản xuất các vùng tập trung có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, giảm chi phí đầu vào, tạo nguồn nông sản sạch, an toàn phục vụ chế biến, xuất khẩu.Thực hiện hướng dẫn của ngành nông nghiệp, hiện nay nông dân ở nhiều địa phương đã tăng cường dùng phân phón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ, hạn chế dùng phân bón hóa học. Ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và bón phân nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao.

Đối với chăn nuôi, ngoài tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (cám, ngô, bã đậu, bã rượu, rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp khác,...) thay thế một phần hoặc toàn bộ nguồn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phải mua từ thị trường, các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi mua sản phẩm tận gốc. 

Theo chị Nguyễn Thị Chinh, chủ trang trại nuôi lợn tại thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng), gia đình nuôi 2.500 con lợn thương phẩm mỗi lứa. Chị đặt hàng đơn vị sản xuất thức ăn theo tiêu chuẩn trang trại, nhà máy cung cấp trực tiếp sản phẩm đến trang trại, giảm chi phí trung gian. Do sử dụng thức ăn theo khuyến cáo nên phát huy công dụng với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Chị xử lý chất thải từ chuồng trại bằng nuôi giun, tạo nguồn phân bón hữu cơ cung cấp cho khu vườn trồng cây ăn quả ở Lục Nam, Lục Ngạn. Từ đó, gia đình có khoản thu giúp tái đầu tư sản xuất.

Đi đôi với giải pháp trên, trong điều kiện giá VTNN tăng cao, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; phân bón; thuốc BVTV; thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản; thuốc thú y thủy sản; các chế phẩm sinh học; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không để tình trạng găm trữ hàng đẩy giá, trục lợi bất chính; quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trường Sơn

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/372722/nong-dan-ung-pho-voi-gia-vat-tu-nong-nghiep-tang.html