|
  • :
  • :

Nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi tất yếu

Tỉnh đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ như một hướng đi tất yếu để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch và an toàn.

Chuyển đổi phương thức canh tác

Ông Trần Văn Hiền (SN 1957, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An) được Hợp tác xã (HTX) An Vĩnh Ngãi vận động ký kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ 3 năm nay. Cùng với sự hỗ trợ từ HTX và quyết tâm nâng cao chất lượng nông sản, ông không chỉ cung cấp trái thanh long sạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

 
 

Ông Trần Văn Hiền (ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An) dùng phân chuồng ủ chung với phân vi sinh để bón cho cây trồng

Hiện tại, ông Hiền sở hữu hơn 0,5ha thanh long với 750 trụ đang cho thu hoạch trái. Chia sẻ về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Hiền nói: "Từ ngày sản xuất theo hướng VietGAP, mỗi năm, tôi được HTX hỗ trợ 200kg phân vi sinh và 10kg nấm Trichoderma. Tôi thường trộn cùng phân chuồng để bón, giúp đất tơi xốp, phân hủy tốt hơn. Nhờ vậy, vườn thanh long phát triển tốt, chắc dây, ít sâu, bệnh, giúp tôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công, hạn chế phun thuốc trừ sâu".

Đối với ông, đây không chỉ là sự cải thiện về sản lượng mà còn là một bước tiến tạo ra nông sản an toàn, chất lượng hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ về những khó khăn trong giai đoạn đầu chuyển đổi, nhất là vấn đề về đầu ra nông sản.

“Cái khó là dù chất lượng trái thanh long được cải thiện nhưng thị trường vẫn chưa thật sự ổn định. Nhiều nông dân trong xã còn lúng túng với yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên cần có thêm thời gian để quen dần như sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học” - ông Hiền cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX An Vĩnh Ngãi - Trần Văn Lập cho biết, hiện tại, HTX có 10ha thanh long được chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi tất yếu đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đang nỗ lực nâng cao ý thức và kỹ thuật canh tác của nông dân trong vùng; khuyến khích các hộ dân chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ thay thế hoàn toàn phân hóa học và nghiêm túc tuân thủ quy định không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm.

Ông Trần Văn Lập nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi sang mô hình hữu cơ không chỉ giúp thanh long đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước mà còn có tiềm năng vươn ra các thị trường quốc tế”.

Với tầm nhìn đó, HTX An Vĩnh Ngãi đang xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, từ cải tiến phương pháp trồng trọt đến tăng cường liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là những bước đi không chỉ cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn nâng cao vị thế của nông sản địa phương trên bản đồ nông nghiệp sạch, bền vững.

Cũng ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân (SN 1960, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) triển khai thành công mô hình trồng dưa lưới hữu cơ trong nhà kính.

Chia sẻ về quy trình canh tác, ông Xuân cho biết: “Khâu chuẩn bị giá thể rất quan trọng. Tôi tự ủ phân bón, trộn với xơ dừa và phân trùn quế để tạo giá thể tốt cho cây dưa lưới. Xơ dừa cần xả chát kỹ để không ảnh hưởng đến cây”. Việc sử dụng giá thể tự nhiên giúp cây dưa lưới phát triển tốt mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.

Vườn dưa lưới của ông Xuân không chỉ đạt chuẩn OCOP 3 sao mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao với sản lượng thu hoạch mỗi năm 100 tấn. Nhờ mô hình này, ông không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần phát triển nông nghiệp sạch tại địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh - Phạm Thị Ngọc Thúy nhận xét: “Mô hình trồng dưa lưới hữu cơ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là một hướng đi quan trọng, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế bền vững cho xã Hiệp Thạnh”.

Thử nghiệm với mô hình mới

Trên mảnh đất Châu Thành, nơi thanh long được xem là cây trồng chủ lực, anh Phan Phú Thiện (SN 1987, ngụ ấp Bình Sơn, xã Bình Quới) tiên phong áp dụng mô hình trồng thanh long hữu cơ trong nhà kính. Với kinh nghiệm trồng thanh long lâu năm, anh nhận thấy phương pháp trồng truyền thống không còn phù hợp, nhất là bệnh đốm trắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Vì vậy, anh Thiện quyết định chuyển đổi sang mô hình hữu cơ dù ban đầu gặp không ít khó khăn từ thời tiết mưa bão đến thiếu vốn xây dựng nhà kính. Tuy nhiên, với tinh thần kiên trì và nỗ lực, không ngừng học hỏi, sau hơn 1 năm triển khai, anh Thiện thu hoạch đợt trái đầu tiên đạt 1,2 tấn.

Anh Phan Phú Thiện (ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành) sử dụng phân bón hữu cơ trong quá trình canh tác thanh long

Khi nhắc đến mô hình mới này, anh Thiện bày tỏ: “Trong quá trình chăm sóc thanh long hữu cơ, công đoạn ủ phân bón rất quan trọng. Tôi sử dụng phân hữu cơ trộn với phân viên để rải quanh gốc, cung cấp dinh dưỡng tự nhiên cho cây. Phân vi sinh được ủ sẵn và chỉ bổ sung vào thời điểm cây cần thúc trái, giúp cây phát triển mà không cần dùng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật”. Anh cũng áp dụng hệ thống tưới tự động vừa tiết kiệm chi phí thuê nhân công, vừa bảo đảm cây thanh long phát triển mạnh.

Một trong những yếu tố quan trọng của mô hình này là hệ thống nhà kính, không chỉ bảo vệ cây khỏi tác động của thời tiết mà còn ngăn ngừa sâu, bệnh và côn trùng tấn công.

Nhà kính giúp điều tiết nhiệt độ và độ ẩm để cây phát triển tốt mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt bệnh. Nhờ đó, anh Thiện giảm thiểu tối đa sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường xung quanh.

Mô hình trồng thanh long nhà kính bước đầu mang lại hiệu quả cao

Chủ tịch UBND xã Bình Quới - Lê Phong cho biết: “Việc vận động và khuyến khích người dân áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ nhà kính không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp địa phương. Xã quan tâm và hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn".

Những phương pháp canh tác tự nhiên sẽ duy trì và cải thiện chất lượng đất đai, cây trồng, hệ sinh thái nông nghiệp, tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Khi tiêu chuẩn về chất lượng lương thực, thực phẩm ngày càng nâng cao, người tiêu dùng chuyển hướng quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Việc mở rộng và lan tỏa mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ đáp ứng nhu cầu về sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước mà còn tạo dựng niềm tin cho thị trường quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu mà ngành Nông nghiệp và các địa phương đang chú trọng đẩy mạnh nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị lâu dài cho cộng đồng cùng nền kinh tế./.

Phương Thảo - Hồng Xuyến

Nguồn: https://baolongan.vn/nong-nghiep-huu-co-huong-di-tat-yeu-a186350.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin