Ngày 28/10, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến Quảng Bình 2021 với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất chế biến nông sản tại tỉnh Quảng Bình và các nhà phân phối, siêu thị, trung tâm bán lẻ, sàn thương mại điện tử (Lazada, Voso) tại các đầu cầu TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Phú Yên.
Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến Quảng Bình 2021 nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản tỉnh trong bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn còn kéo dài (Ảnh tại đầu cầu chính Quảng Bình) |
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình - cho biết: Mặc dù cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng đã áp dụng các biện pháp chống dịch kịp thời cũng như triển khai nhiều phương án, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn gây nhiều tác động tiêu cực làm gián đoạn nguồn cung lao động, giảm sản lượng sản xuất công nghiệp và đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất hàng nông sản, số lượng đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu,… để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tổ chức theo phương thức truyền thống (gặp gỡ trực tiếp) rất khó để thực hiện. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối trực tuyến sẽ là giải pháp hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình - phát biểu tại hội nghị |
Việc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến Quảng Bình 2021 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có cơ hội kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, sàn thương mại điện tử có uy tín, tiết kiệm được chi phí quảng cáo bán hàng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ổn định cung cầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu cho doanh nghiệp các tỉnh/thành phố nói chung, doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nói riêng; đồng thời, đảm bảo an toàn thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh” ổn định kinh tế xã hội.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại tỉnh Quảng Bình mong muốn sẽ có nhiều hơn các chương trình giao thương trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản |
Tham dự hội nghị thông qua hình thức trực tuyến từ đầu cầu tại huyện Minh Hóa, Công ty TNHH Diến Hồng (TT Quy Đạt, Minh Hóa, Quảng Bình) mong muốn tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản chế biến của công ty. Đại diện công ty cho biết, là một đơn vị vừa chế biến nông sản vừa phân phối, đơn vị đã chủ động thích ứng với dịch Covid-19, việc kết nối giao thương trực tuyến, thương mại điện tử là rất cần thiết giúp doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, dần khôi phục, ổn định lại sản xuất.
“Các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh thương mại mong muốn Sở Công Thương tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tiếp cận, học hỏi, kết nối giao thương qua các kênh trực tuyến để giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh đến với các nhà phân phối, người tiêu dùng”, đại diện công ty đề xuất.
Bà Trương Thị Phượng - đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm - chia sẻ, các sản phẩm từ hạng trung đến cao cấp về Sâm Bố Chính Tuệ Lâm đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Chất lượng là ưu tiên hàng đầu của sản phẩm Sâm Bố Chính Tuệ Lâm, đồng thời chúng tôi đang triển khai nhiều hơn các sản phẩm mới chiết xuất từ Sâm Bố Chính ngoài các sản phẩm truyền thống như trước đây.
“Thông qua kết nối giao thương trực tuyến và các nền tảng mạng xã hội, chúng tôi mong muốn sẽ kết nối để đưa sản phẩm đến nhiều thị trường trong nước và trên thế giới hơn nữa. Công ty Tuệ Lâm mong muốn kết nối được với nhiều kênh phân phối, nhiều thị trường nhằm chung tay cùng Tuệ Lâm và bà con Quảng Bình nâng tầm sâm Việt”, bà Phượng chia sẻ.
Các nhà phân phối, siêu thị tại TP. Đà Nẵng tham gia kết nối giao thương trực tuyến (Ảnh tại đầu cầu TP. Đà Nẵng) |
Tham dự kết nối tại điểm cầu Đà Nẵng chủ yếu là các nhà phân phối, siêu thị bán lẻ, chuỗi cửa hàng thực phẩm trên địa bàn. Đại diện các đơn vị cho biết đã có nhiều nông sản Quảng Bình vào cửa hàng, siêu thị. Thông qua Hội nghị, các đơn vị cũng tìm được một số sản phẩm có tiềm năng như miến khô, sản phẩm nấm các loại, dầu tràm, tinh bột nghệ... và sẽ tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội kết nối với các đơn vị có sản phẩm trưng bày tiềm năng.
“Hội nghị mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mở rộng kênh phân phối, tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, trước mắt tại thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu”, ông Nam bày tỏ và cho biết thêm, hội nghị cũng là cơ hội để các Sở, ngành tỉnh Quảng Bình lắng nghe những khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản để thích ứng với điều kiện bối cảnh mới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Các nhà phân phối tại TP. Đà Nẵng tìm hiểu các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Quảng Bình (Ảnh tại đầu cầu TP. Đà Nẵng) |
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, thông qua hình thức kết nối trực tuyến từ ngày 26/10 đến hết hội nghị ngày 28/10, ngành Công Thương tỉnh đã kết nối được 52 cặp doanh nghiệp sản xuất - nhà phân phối, bán lẻ ký kết hợp tác sản xuất, phân phối, kinh doanh hàng hóa nông sản. Trong đó, các nhà sản xuất, chế biến nông sản là đơn vị của tỉnh Quảng Bình, đối tác là các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối lớn trong cả nước như Vincom Plaza Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Fresh Ecofarm, Kim Ngưu, Hòa Phú Farm (Đà Nẵng), Vincom Quảng Bình, Co.opmart Quảng Bình…..
“Sau hội nghị, chúng tôi sẽ tiếp tục làm cầu nối để kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với nhà phân phối, bán lẻ gặp nhau; đồng thời hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị có kí kết hợp tác thuận lợi thúc đẩy, triển khai các bước tiếp theo, nhanh chóng đưa hàng vào hệ thống phân phối, bán lẻ tiêu thụ, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình nói.
Tại hội nghị, đại diện sàn thương mại điện tử Lazada, Voso - kênh thương mại điện tử của Viettel Post đã thông tin, chia sẻ cùng các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản Quảng Bình về kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, các chính sách bán hàng hỗ trợ cho các đơn vị mới lên sàn, các lưu ý để doanh nghiệp bán hàng tốt hơn thông qua hình thức trực tuyến. |
Nhóm PV Miền Trung