|
  • :
  • :

Thúc đẩy phong trào toàn dân làm thủy lợi

Ngày 21/5/2001, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về thủy lợi phục vụ nông nghiệp, trong đó lấy ngày 16/10 hàng năm là ngày toàn dân tham gia làm thủy lợi. Từ đó đến nay, phong trào này vẫn được Nghệ An duy trì và phục vụ cho sản xuất vụ đông, vụ xuân hàng năm.

Nghệ An có 2 hệ thống thủy lợi lớn là hệ thống thủy lợi Bắc và Hệ thống thủy lợi Nam, 1050 hồ chứa nước, 247 đập dâng nước, 559 trạm bơm điện. Hàng năm, đảm bảo tưới cho hơn 250 nghìn ha diện tích cây trồng, cấp nước phục vụ cho công nghiệp, kinh tế - xã hội và phục vụ nước dân sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hàng năm do tình hình mưa lũ, hạn hán khiến hệ thống thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, vì vậy phong trào ra quân làm thủy lợi có vai trò rất quan trọng. 
Cống thủy lợi xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: Trân Châu

Để thực hiện tốt Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng thời kịp thời khắc phục những hậu quả do hạn hán, mưa lũ gây ra, chủ động phòng chống lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, giao thông, nông thôn mới, tăng cường công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và chống ngập úng ở đô thị từ ngày 16/10 đến ngày 31/12/2021 trên địa bàn toàn tỉnh.

Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành, thị phối hợp với các công ty TNHH thủy lợi trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt đợt phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, giao thông, nông thôn mới, tăng cường công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và chống ngập úng ở đô thị.

Ra quân làm thủy lợi nội đồng ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn trường

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Đợt ra quân làm thủy lợi năm nay phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau:  Khắc phục hậu quả do hạn hán, lụt bão gây ra đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ đông năm 2021 và sản xuất năm 2022. Đảm bảo khả năng cung cấp nước tối đa của các đầu mối công trình thủy lợi gồm hồ chứa, trạm bơm, cống lấy nước cho các mục tiêu sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu và nuôi trồng thủy sản. Đảm bảo đưa dẫn nước tưới, tiêu nhanh chóng kịp thời, tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí sản xuất. Nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, hạn hán, mưa lũ của công trình, đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu. Tiếp tục kiên cố hóa, hiện đại hóa hệ thống kênh mương nội đồng.  Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần theo dõi tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để có các biện pháp vừa đảm bảo chống dịch, vừa triển khai đợt phát động hiệu quả, thiết thực.

Đối tượng ưu tiên tu sửa công trình của đợt phát động lần này là, tu sửa, nạo vét các kênh dẫn, các bể hút trạm bơm, công trình nước sạch, hệ thống kênh mương thủy lợi.

Đảm bảo thông thoáng các kênh tiêu vùng màu, kênh cấp và tiêu thoát nuôi trồng thủy sản. Tu sửa các công trình đầu mối, các công trình và hệ thống công trình thủy lợi, nước sạch, hệ thống đê sông, đê biển, kè bờ sau mùa mưa lũ.
Tu sửa, chỉnh trang giao thông đồng ruộng, giao thông thôn xóm theo đúng quy hoạch. Giải phóng mặt bằng, phát quang đảm bảo thông thoáng, gắn với tiêu chí nông thôn mới về giao thông. Đối với khu vực đô thị, tu sửa, nạo vét đảm bảo thông thoáng các kênh dẫn, kênh tiêu để tiêu thoát nước nhằm giảm thiểu ngập úng khi mưa lớn.
Khắc phục tràn hồ chứa hư hỏng ở xã Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Ngoài ra chiến dịch còn phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ tưới cho cây trồng cạn như: Đào đắp các hồ chứa, bể chứa nhỏ, giếng nước, phát triển mạng lưới bơm nhỏ, sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Khai thác tối đa lợi thế hệ thống các hồ đập trong tỉnh để nhân rộng các mô hình tưới nước cho các loại cây cam, quýt giống mới, chanh leo, bưởi, mía, chè, cỏ chăn nuôi... Tùy theo mức độ hư hỏng, hiện trạng công trình và các nhu cầu thực tế về tưới, tiêu, cấp nước, vệ sinh môi trường mà các địa phương, đơn vị lựa chọn công trình, hạng mục và xác định các nội dung, quy mô, khối lượng cần thực hiện trong đợt ra quân này.

Đợt ra quân bắt đầu từ ngày 16/10 đến  ngày 31/12/2020, hiện nay đã có một số huyện ra quân làm thủy lợi như huyện Yên Thành, Tân Kỳ, Thanh Chương…

Huyện Yên Thành, tranh thủ thời tiết thuận lợi, 3 xã Tăng Thành, Tân Thành, Lăng Thành triển khai nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, tu sửa bờ vùng bờ thửa. Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Sau mưa bão nhiều hệ thống công trình thủy lợi bị hư hỏng, kênh mương bồi lắng. Chiến dịch ra quân làm thủy lợi huyện Yên Thành quyết tâm làm đến đâu dứt điểm đến đó và được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I, tiến hành nạo vét kênh mương, hạ tầng cầu cống nội đồng, giai đoạn II: Đắp bờ vùng, bờ thửa, bờ trục và bình chỉnh đồng ruộng, giai đoạn 3: Vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương, phát quang. 
Người dân các xã Tăng Thành, Tân Thành, Lăng Thành triển khai nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, tu sửa bờ vùng bờ thửa. Ảnh: Hồ Các

Để ngày 16/10, thật sự trở thành ngày hội của nhân dân trong tỉnh, Nghệ An đã tập trung công tác tuyên truyền vận động cùng các chính sách hỗ trợ thưởng cho các đơn vị dẫn đầu; có chính sách huy động vốn phù hợp với sức dân, thực hiện công khai dân chủ. Ngoài lực lượng đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhiều địa phương đã huy động các các đoàn thể như hội nông dân, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang… 

Công tác chuẩn bị lễ phát động được các địa phương chuẩn bị chu đáo. Ngành Nông nghiệp hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện đợt phát động và thường xuyên kiểm tra, theo dõi, báo cáo kết quả về UBND tỉnh. Kết thúc đợt phát động phải tổ chức đánh giá, đề nghị biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, phê bình nhắc nhở những đơn vị, cá nhân chưa thực hiện tốt trong đợt phát động này.

 
Tác giả: Văn Trường
Nguồn: http://baonghean.vn/thuc-day-phong-trao-toan-dan-lam-thuy-loi-296380.html
Tags: thủy lợi
Tin liên quan
Chưa có thông tin