|
  • :
  • :

Tiêu điểm chính sách mới lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tháng 9-10/2022

Tháng 9, tháng 10/2022, các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khi nhiều hoạt động nhằm xây dựng và ban hành một số văn bản chính sách mới về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thay thế cho Nghị định 36 của Chính phủ năm 2017.

Tiêu điểm chính sách mới lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tháng 9-10/2022 - 1

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xóa bỏ 4/5 Tổng cục gồm Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo, chỉ giữ lại một Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Nhiều đơn vị cấp cục/vụ mới được thành lập. Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi được tổ chức lại sẽ có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó có 22 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.

Ngày 3/10 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT Quy định về phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển.

tm-img-alt

Ảnh minh hoạ

Phương pháp xây dựng khung giá phát điện được xây dựng trên nguyên tắc: 1) khung giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển là dải giá trị từ giá trị tối thiểu (0 đồng/kWh) đến giá trị tối đa; 2) giá trị tối đa áp dụng với nhà máy điện mặt trời là giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời chuẩn được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư 15/2022/TT-BCT; 3) Giá trị tối đa áp dụng với nhà máy điện gió là giá phát điện của Nhà máy điện gió chuẩn được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2022.

 

Ngày 03/10/2022 Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ban hành "Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

tm-img-alt

Ảnh minh hoạ. ITN

Quy chế này quy định về lập, điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (Quy hoạch chi tiết xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, thu hồi đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng); tiếp nhận và thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp; nguyên tắc, phương thức phối hợp, nội dung và trách nhiệm quản lý của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị, các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các hoạt động khác có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

 

Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có cụm công nghiệp trên địa bàn, các tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc liên quan đến quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/10/2022.

Cục Hàng hải Việt Nam đang lấy ý kiến vào Dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam. Tiêu chí cảng xanh được xây dựng nhằm mục đích đưa ra một lộ trình phát triển cảng xanh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và cải thiện năng lực phát triển bền vững.

tm-img-alt

"Xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam. Ảnh: ITN

Tiêu chí cảng xanh được xây dựng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững. Theo đó 3 tiêu chí chính của cảng xanh bao gồm: Cam kết và sẵn sàng; Hành động và thực hiện; Hiệu lực và hiệu quả. Trong đó có những tiêu chí cụ thể và đưa ra các tiêu chuẩn cho các đơn vị tham chiếu.

 

Thực tế, việc "xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc giảm phát thải tại cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm cho việc các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường.

Chiều 07/10, tại TP.HCM, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Nam. Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT và bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì Hội thảo.

tm-img-alt

Thứ trưởng Bộ TN và MT Lê Công Thành

Dự Hội thảo còn có đại diện Văn phòng chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các Sở TN&MT; các doanh nghiệp khai thác, sử dụng nước và 19 tỉnh, thành phía Nam.

Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, gồm bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hoá ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2023 và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023./.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thay thế Nghị định 164/2016/NĐ-CP.

Tiêu điểm chính sách mới lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tháng 9-10/2022 - 5

Đề xuất tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: ITN

Dự thảo đề xuất tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo việc khai thác khoáng sản được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến.

Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường từ 1.500 - 6.000 đồng/m3. Tuy nhiên, dù đã có mức phí như vậy nhưng tình trạng đầu tư, khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả vẫn còn diễn ra.

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng tăng 150% mức phí tối thiểu và mức tối đa tại Nghị định 164/2016/NĐ-CP.

Với cuội, sỏi, sạn, mức phí sẽ là từ 6.000-9.000 đồng/m3; đá làm vật liệu xây dựng thông thường mức phí sẽ từ 1.500-7.500 đồng/m3; cát vàng mức phí là 4.500-7.500 đồng/m3; các loại cát khác mức phí sẽ từ 3.000-6.000 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, ngói mức phí sẽ là 2.250-3.000 đồng/m3.

Ngày 24/10, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 2787/QĐ-BTNMT công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước; sửa đổi Quyết định số 87/QĐ-BTNMT ngày 14/1/ 2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT.

tm-img-alt

Ảnh minh hoạ. ITN

Thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực môi trường:

Cấp trung ương gồm: Cấp điều chỉnh Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Chấp thuận sử dụng dung dịch khoan nền không nước; Chấp thuận tách đấu nối khỏi hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và tự xử lý nước thải phát sinhCấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải; Xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam.

Cấp tỉnh gồm: Chấp thuận tách đấu nối khỏi hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và tự xử lý nước thải phát sinh; Cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Khu công nghiệp: Chấp thuận tách đấu nối khỏi hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và tự xử lý nước thải phát sinh.

Thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực tài nguyên nước:

Cấp trung ương gồm: Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 30.000m3 /ngày đêm trở lên đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng từ 3.000m3 /ngày đêm trở lên đối với các hoạt động khác; Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 30.000m3 /ngày đêm trở lên đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng từ 3.000m3 /ngày đêm trở lên đối với các hoạt động khác.

Cấp tỉnh gồm: Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 30.000m3 /ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng dưới 3.000m3 /ngày đêm đối với các hoạt động khác; Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 30.000m3 /ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng dưới 3.000m3 /ngày đêm đối với các hoạt động khác.

Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/tieu-diem-chinh-sach-moi-linh-vuc-tai-nguyen-va-moi-truong-thang-9-102022-a114124.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin