Công ty TNHH MTV Cao Phong, huyện Cao Phong là doanh nghiệp cung ứng lô hàng cam Cao Phong đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc.
Đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Những năm 70 của thế kỷ XX, sản phẩm cam của huyện đã được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô (cũ). Khác với trước đây, quả cam được xuất khẩu với tư duy, cơ chế bao cấp. Còn hiện nay, chúng tôi chủ động trong đảm bảo chất lượng, chủ động đưa sản phẩm ra thế giới theo lộ trình. Sau 8 năm được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam của huyện Cao Phong, dưới sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, việc hỗ trợ liên kết tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp, sự quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm của người dân, đến nay, sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục thị trường trong nước. Đặc biệt hơn nữa, sau thời gian hợp tác có hiệu quả giữa Chi cục TT&BVTV (Sở NN&PTNT) với các cơ quan chuyên môn của huyện và các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, sản phẩm cam Cao Phong đang đứng trước cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Kết quả phân tích các mẫu cam cho thấy, tất cả đều không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào trong gần 900 hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu. Những kiện hàng mẫu gửi sang Vương quốc Anh cũng được thông quan mà không gặp bất cứ vấn đề gì về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Với kết quả thuyết phục đó, sản phẩm cam Cao Phong đã được xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh, chuyến hàng đầu tiên gần 7 tấn mở ra cơ hội chinh phục thị trường cao cấp này.
Công ty cổ phần RYB là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quy trình đưa sản phẩm cam Cao Phong xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. Theo Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương: Lô hàng xuất khẩu đầu tiên chính là bước đi đầu tiên để cam Cao Phong chinh phục thị trường Anh quốc nói riêng, thị trường Châu Âu nói chung. Đây là thị trường đặc biệt ưa thích các loại hoa quả có lợi cho sức khỏe, nhất là sản phẩm có các chất làm đẹp da, chống đột quỵ, phòng ngừa bệnh tiểu đường, huyết áp... Vì thế, các sản phẩm như cam, bưởi chất lượng cao sẽ được thị trường này đón nhận. Riêng về sản phẩm cam Cao Phong, qua quá trình đồng hành, công ty đánh giá cao chất lượng và nhận thấy tiềm năng xuất khẩu nên đang nỗ lực xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm. Về cơ bản, cam Cao Phong đáp ứng tốt các tiêu chuẩn chất lượng như quả sáng, đẹp, mọng nước, vị ngon, ngọt mát, có mùi thơm đặc trưng, tinh dầu mạnh, không có dư lượng thuốc BVTV... Tuy nhiên, để chinh phục thị trường cao cấp như châu Âu, cần xây dựng được lộ trình chắc chắn, bài bản, hiệu quả, vấn đề cốt yếu nhất là đảm bảo được sự ổn định về chất lượng và sản lượng, đồng thời xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm cam Cao Phong.
Đến nay, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm duy nhất của tỉnh được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (được cấp năm 2014). Năm 2016, sản phẩm vinh dự nằm trong "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng", được Trung tâm Khoa học công nghệ và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Xác định đây là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện Cao Phong đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển sản phẩm, nỗ lực đưa sản phẩm vươn ra thị trường lớn. UBND huyện tích cực phối hợp với Sở NN&PTNT trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án, chính sách quan trọng liên quan đến cây giống sạch bệnh, tạo quỹ đất an toàn về sâu bệnh để hỗ trợ người dân trồng tái canh cây cam, quy mô khoảng 800 ha từ nay đến năm 2025. Hiện, trong tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện 1.744 ha thì diện tích cam đạt khoảng 1.358 ha, sản lượng trên 20 nghìn tấn/niên vụ. Huyện đã có 7 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam được công nhận OCOP 3 và 4 sao.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Quách Văn Ngoan nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam Cao Phong trong những năm tiếp theo, UBND huyện sẽ sát sao chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hiệu quả Đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện; tiếp tục đồng hành cùng người dân trồng cam; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thực hiện các chứng nhận về sản xuất an toàn, cấp mã số vùng trồng và hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất để tăng sản lượng xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.
Thu Trang