Sản phẩm bưởi da xanh Tân Lạc được Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa đóng gói, Công ty cổ phần ECO Hòa Bình đưa đi xuất khẩu vào cuối tháng 11/2024.
Tháng 11/2024, Lễ hội Cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm tỉnh với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu 2 nhãn hiệu đặc sản "Tôm sông Đà Hòa Bình" và "Cá sông Đà Hòa Bình". Từ đó, xây dựng hình ảnh thủ phủ cá, tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hòa Bình, đồng thời, thông qua các hoạt động của lễ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Hòa Bình. Lễ hội được tổ chức cũng là cơ hội tìm kiếm, kết nối những đối tác, khách hàng mới đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thủy sản nói riêng và sản xuất nông sản nói chung trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: Lễ hội thu hút đông đảo du khách ở nhiều nơi đến với Hòa Bình, góp phần quảng bá, giới thiệu về ẩm thực, đặc sản của tỉnh. Do đó, để có thể gây ấn tượng, thu hút khách hàng, đối tác mới tiềm năng, công ty đã đem đến lễ hội những sản phẩm có chất lượng cao nhất, được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, năm qua, ngành NN&PTNT đã tập trung triển khai các chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh, kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn cũng như hỗ trợ, kết nối hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Công tác xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã giới thiệu, kết nối cho 52 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài nước; triển khai chương trình phối hợp công tác xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm với Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản các tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang. Triển khai chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh như: xuất khẩu măng của Công ty cổ phần Kim Bôi sang thị trường Hà Lan; xuất khẩu chè, cháo của Chi nhánh Tập đoàn Minh Trung tại Hoà Bình sang thị trường Nhật Bản; xuất khẩu mía của Công ty TNHH Tiến Ngân sang thị trường Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong bảo vệ thương hiệu, tránh sự lợi dụng, làm giả thương hiệu sản phẩm, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã hỗ trợ kích hoạt 79.000 tem truy xuất nguồn gốc ra thị trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hoạt động quảng bá sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ: https://hb.check.net.vn được đẩy mạnh. Với 77 doanh nghiệp, HTX tham gia đã có 360 sản phẩm được quảng bá, giới thiệu trên Cổng thông tin này.
Từ việc tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, một số sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP đã kết nối, mở rộng được thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Trong năm qua đã có thêm những mặt hàng nông sản, nông sản chế biến mới được xuất khẩu như: Mật ong rừng Thượng Tiến của HTX Green Life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi); hành tăm muối Yên Thủy của HTX nông nghiệp Phú Lai, xã Phú Lai (Yên Thủy); bưởi da xanh Tân Lạc... Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ xuất khẩu đạt trên 42.310 tấn nông, lâm sản, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu khoảng 555,2 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Năm 2024, ngành NN&PTNT cùng các địa phương đã chủ động thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch hành động cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại các huyện, thành phố. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm có chuyển biến rõ rệt, một số sản phẩm trồng trọt chủ lực và lâm sản được đẩy mạnh xuất khẩu. Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đồng hành, hỗ trợ đơn vị sản xuất, HTX, doanh nghiệp; tăng cường phối hợp các ngành, đơn vị liên quan trong thực hiện kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh tham dự các hội chợ thương mại nông sản lớn nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ...