Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá dầu tăng mạnh trong đầu tuần giao dịch 25 - 30/9 trước nguy cơ tồn kho Mỹ cạn kiệt. Tuy nhiên, giá đã quay đầu giảm đáng kể trong hai ngày cuối tuần, do áp lực đóng vị thế của các nhà đầu tư trước áp lực vĩ mô gia tăng. Điều này khiến cho đà tăng của giá dầu trong tuần qua bị thu hẹp.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,84% lên mức 90,27 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,26% lên mức 92,20 USD/thùng. Như vậy, giá dầu đã ghi nhận tháng thứ 4 tăng giá liên tiếp và quý tăng giá đầu tiên sau hai quý đầu năm nay.
Giá dầu đã ghi nhận tháng thứ 4 tăng giá liên tiếp |
Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc và xuất khẩu mạnh. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng của lượng dầu còn lại và khả năng giảm xuống dưới mức hoạt động tối thiểu.
Kể từ khi đạt mức đỉnh trong hai năm vào tháng 6 với hơn 43 triệu thùng, mức sản xuất của Cushing đã giảm xuống dưới 22 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/9, là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Các nhà giao dịch cho biết kho chứa dưới 20 triệu thùng, hoặc từ 10% đến 20% trong tổng công suất hơn 98 triệu thùng của Cushing. Con số này được coi là gần mức hoạt động tối thiểu, khi đó chất lượng dầu sẽ không đủ tiêu chuẩn để sử dụng.
Trong khi đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, chỉ số sớm của sản lượng tương lai, đã giảm 7 giàn xuống 623 giàn tính đến ngày 29/9, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay. Như vậy, Mỹ đã cắt giảm 51 giàn khoan trong quý III sau khi cắt giảm 81 giàn trong quý II.
Điều này làm tăng lo ngại về việc sản lượng dầu của Mỹ khó bù đắp cho sự thiếu hụt từ sự sụt giảm sản lượng từ các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Từ đó, lực mua được thúc đẩy, kéo giá dầu WTI chạm mốc 95 USD/thùng trước khi suy yếu trở lại trong hai phiên cuối tuần.
Giá dầu đã gặp một số áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một năm qua. Bên cạnh đó, áp lực vĩ mô từ nguy cơ đóng cửa tạm thời của Chính phủ Mỹ, khi không thể thống nhất được thỏa thuận ngân sách, cũng góp phần thúc đẩy lực bán. Hiện tại, dự luật tạm thời đã được thông qua vào cuối ngày 1/10, để tài trợ cho Chính phủ cho đến ngày 17/11.
Thêm vào đó, sản lượng gia tăng tại Mỹ cũng tạo ra sức ép bán trong phiên cuối tuần. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 0,7% lên 12,99 triệu thùng/ngày trong tháng 7, cao nhất kể từ mức kỷ lục 13 triệu thùng/ngày hồi tháng 11/2019.
Tuy nhiên, số lượng giàn khoan giảm liên tục cho thấy về trung hạn, mức độ tăng sản lượng sẽ bị hạn chế, gây ra rủi ro giá dầu duy trì ở mức cao nếu OPEC+ tiếp tục thắt chặt nguồn cung.
Theo cuộc khảo sát của 42 nhà kinh tế do Reuters tổng hợp hôm thứ Sáu (29/9), giá dầu Brent được dự báo sẽ đạt trung bình 89,85 USD/thùng trong quý IV và 86,45 USD/thùng vào năm 2024.
MXV cho biết, tuần này, thị trường hướng chú ý vào tâm điểm cuộc họp của nhóm OPEC+ diễn ra vào ngày 4/10.