Liên tục phát hiện vi phạm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, riêng quý I, lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt giữ hơn 15 vụ buôn bán phân bón giả.
Thông tin từ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng cho thấy, năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, các cơ quan đã kiểm tra phát hiện và xử lý 46 trường hợp vi phạm với các hành vi vi phạm như: Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm có nhãn sai quy định, quá hạn sử dụng hoặc phân bón không có quyết định công nhận được phép lưu hành tại Việt Nam…
Người nông dân cần chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín |
Kết quả phân tích kiểm tra chất lượng 98 mẫu (70 mẫu phân bón, 28 mẫu thuốc bảo vệ thực vật của các cơ quan chuyên ngành cũng cho thấy, có tới 22 trường hợp vi phạm. Trong đó có 5 mẫu giả, chất lượng dưới 70%, 17 mẫu chất lượng không phù hợp với quy chuẩn công bố áp dụng. Tổng số tiền xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm trên là 573 triệu đồng.
Tại Hưng Yên, tháng 3 năm 2022, Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường Hưng Yên) đã tiến hành lấy 9 mẫu phân bón. Kết quả thử nghiệm cho thấy có 3 mẫu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và 1 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.
Còn tại Tiền Giang, chủ tịch UBND tỉnh này cũng vừa ban hành Quyết định xử phạt cá nhân vi phạm với số tiền gần 180 triệu đồng về hành vi buôn bán phân bón giả. Trước đó, tỉnh Tiền Giang cũng xử phạt 266 triệu đồng đối với 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng.
Thiệt hại hàng tỷ đồng
Ông Ngô Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - cho biết, thời gian gần đây, do tình trạng giá phân bón tăng chóng mặt nên nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng càng được dịp hoành hành. Những nhà sản xuất phân bón chân chính cũng đang "đau đầu" đối mặt với thực trạng này. Ông Đông cho rằng, các cơ quan quản lý, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm chấn chỉnh tình trạng này, giảm bớt thiệt hại cho người nông dân và đảm bảo quyền lợi, thương hiệu cho những đơn vị sản xuất phân bón chân chính.
Ông Đông cũng cho rằng, để tránh tình trạng mua phải phân bón giả, người nông dân cần chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng, hạn chế mua phân bón trôi nổi.
Theo các chuyên gia, ngoài giá phân bón tăng cao thời gian qua, cả nước có quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Bảo vệ thực vật đã ký kết Quy chế phối hợp nhằm tăng cường công tác trao đổi thông tin và tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, lưu thông phân bón trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính cũng như lợi ích của người nông dân và bảo vệ môi trường.
Ông Phùng Hà – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho hay, hàng năm nước ta sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón vẫn tiếp tay cho phân bón giả.
Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân. |