Nguy cơ khó xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc trong Tết Nguyên đán
Báo cáo sản lượng trái cây năm 2021 và dự báo sản lượng quý I/2022 các tỉnh phía Nam, ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT))- cho hay, sản lượng cây ăn quả năm 2021 các tỉnh phía Nam hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với 2020, tập trung ở những cây ăn quả chủ lực chuối, xoài, mít,… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng đạt khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn.
Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây các tỉnh miền Nam đạt hơn 700.000 tấn, trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn. |
Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, trong quý I/2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu…
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất… Năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất. “Tính đến cuối năm, sản lượng trái cây có thể là 700.000 tấn. Nếu tính đến Tết là hơn 1,7 triệu tấn. Đây là con số cần phải tính toán để tiêu thụ. Tôi xin nêu vấn đề là có thể ách tắc đôi chút ở thị trường Trung Quốc do hàng rào kỹ thuật, thuế quan... ngoài Covid-19 hay vật tư đầu vào tăng cao”, ông Lê Thanh Tùng cho biết.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam- nhận định, các khó khăn mà ngành rau quả đang phải đối mặt là dịch Covid-19 khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thuê tàu, thuê container… gây ra tình trạng ứ đọng rau quả do đó vấn đề thu mua bị khó. “Theo thông tin của chúng tôi, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đặng Phúc Nguyên thông tin và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ nội địa trong thời gian tới.
Thêm khó khăn nữa mà ông Đặng Phúc Nguyên đưa ra là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ.
Nhất mạnh vai trò của địa phương
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây quan trọng bậc nhất của Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao- bày tỏ sự lo ngại khi thời gian tới, Trung Quốc sẽ dừng nhập khẩu sản phẩm cây ăn quả đúng vào dịp mùa vụ thu hoạch trái cây rộ nhất tại Việt Nam. Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho rằng cần sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn mà thị trường Trung Quốc yêu cầu, trong đó có GlobalGAP.
“Hiện Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP. Đó là LocalGAP. Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện lại thấp hơn 1/3”, bà Vũ Kim Hạnh thông tin.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, khi chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam được nâng cao thì việc liên kết, tiêu thụ của các doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều rủi ro khi bước ra thị trường thế giới.
Với Trung Quốc nói riêng, bà Ngô Tường Vy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu- nhận định, thị trường này đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu và có thể nói đây là bước đệm khiến cả ngành nông nghiệp, các địa phương và các doanh nghiệp cùng thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản.
Nêu thực tế tại doanh nghiệp mình, bà Ngô Tường Vy cho hay, trong thời gian Công ty làm mã số vùng trồng cho quả sầu riêng vừa qua thì nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ người nông dân làm việc với doanh nghiệp. Đây là quan điểm sai, cần thay đổi từ các địa phương.
Bởi theo bà Ngô Tường Vy, doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc hơn trong thời gian tới. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với các đầu mối để có thể thu mua được các sản phẩm đồng đều, ổn định về cả chất lượng và sản lượng”, bà Ngô Tường Vy cho biết.
Khẳng định, ngành kinh doanh rau củ của Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định như có vị trí địa lý thuận lợi cho xuất khẩu đi Trung Quốc và nước này cũng đang có chủ trương tăng cường sản lượng tiêu thụ rau quả của khu vực ASEAN từ 2-3 lần trong vài năm tới. Ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, liên kết hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất cùng với đó là đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…
Cần sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, mở ra chuỗi cửa hàng, đồng hành với hợp tác xã, bà con nông dân trong tiêu thụ trái cây, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, Sở NN&PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng trong tư vấn, định hướng cho nông dân đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, với nông dân.
Ông Lê Thanh Tùng đề nghị, địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn của mình, để có những dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây. Đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hơi trong nhiều năm…
Nguyễn Hạnh