Xuất khẩu gạo: Thị trường dự báo vẫn rất tốt

Ước đến ngày 15/5, xuất khẩu gạo thu về hơn 2,3 tỷ USD, tăng 34% giá trị. Có thể đến tháng 9 Ấn Độ vẫn cấm xuất khẩu gạo, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh về giá trị

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ. Hiện, đối với ngành gạo, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia chiếm 70,69% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng.

Xuất khẩu gạo: Thị trường dự báo vẫn rất tốt

Xuất khẩu gạo: Thị trường dự báo vẫn rất tốt

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – thông tin, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỷ USD. Ước đến ngày 15/5, tổng sản lượng 3,6 tấn, kim ngạch thu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% số lượng, tăng 34% giá trị.

Việt Nam cũng tập trung vào thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia,… Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

“Hiện chúng ta đã xuất khẩu được 3,6 triệu tấn gạo. Dự kiến nửa tháng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 thì số lượng gạo xuất khẩu sẽ trên 4,5 triệu tấn gạo”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay.

Sản lượng xuất khẩu tương đương năm ngoái

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – thông tin, dự kiến diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.

Tính đến trung tuần tháng 5, cả nước đã gieo cấy được 4,2 triệu ha lúa, bằng 99% so với cùng kỳ; diện tích lúa đã thu hoạch đạt 2,64 triệu ha, bằng 100,3%; sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt trên 17,84 triệu tấn, bằng 102% so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 67,6 tạ/ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa từ nay đến cuối năm dự kiến gieo cấy khoảng 2,89 triệu ha; diện tích thu hoạch dự kiến đạt 4,45 triệu ha, sản lượng dự kiến thu được khoảng 25,56 triệu tấn.

Theo ông Nguyễn Như Cường, hiện sản lượng gạo hàng hóa chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,60 triệu tấn. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,38 triệu tấn. Lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Cụ thể, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định. Một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường cho hay, Bộ sẽ tích cực triển khai các Đề án, chiến lược, Chỉ thị của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo, đặc biệt tập trung triển khai Đề án “01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế; cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu, xây dựng trình ban hành Nghị định quản lý về thương hiệu nông sản (trong đó có sản phẩm gạo).

Riêng đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chỉ đạo các địa phương sản xuất lúa áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được ban hành theo Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27/3/2024 nhằn đáp ứng các chỉ tiêu theo Đề án được phê duyệt theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Ông Nguyễn Như Cường cho hay, với kế hoạch sản xuất và tình hình thực tế đến nay, ngành lúa gạo năm 2024 cơ bản đạt được sản lượng trên 43 triệu tấn, ngoài vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và có thể đủ xuất khẩu tương đương năm ngoái. Hiện Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã chỉ đạo sản xuất để thích ứng tốt nhất với thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, ông Nguyễn Như Cường cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam cập nhật thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cho phù hợp.

 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-gao-thi-truong-du-bao-van-rat-tot-322917.html
Tin liên quan