Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số qua kênh sinh kế

Hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển nghề thủ công, tăng thu nhập là cách hữu hiệu nâng cao sinh kế, đồng thời bảo tồn văn hóa truyền thống.

Cải thiện sinh kế từ chính nghề truyền thống

Ở khu vực miền núi, đời sống, văn hóa của bà con dân tộc thiểu số thường gắn với nghề thủ công truyền thống và phổ biến nhất là dệt vải, thêu thổ cẩm.

Bà Trần Tuyết Lan- Giám đốc Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Craft Link, với kinh nghiệm gần 30 năm thực hiện các dự án cải thiện sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số cho biết, gần 3 thập kỷ qua, kể cả thời điểm muôn vàn khó khăn như dịch Covid-19, mỗi năm Craft Link đều triển khai các dự án mới hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cải thiện sinh kế.

Bà Trần Tuyết Lan- Giám đốc Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Craft Link. Ảnh: Hải Linh

Bà Trần Tuyết Lan- Giám đốc Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Craft Link. Ảnh: Hải Linh

Các dự án chủ yếu giúp bà con lưu giữ nghề truyền thống thông qua phát triển các kỹ năng làm nghề hỗ trợ thiết kế, marketing sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho bà con.

Bà Trần Tuyết Lan cũng cho hay, mỗi dự án diễn ra trong 2 năm. Trong 2 năm đó, cán bộ của Craft Link sẽ đến làm việc trực tiếp ở tại địa phương tập huấn cho bà con cách quản lý nhóm, thiết kế và hoàn thiện, marketing sản phẩm.

Thông thường sau 2 năm dự án kết thúc, nhóm có thể tự phát triển và quản lý để tiến tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Craft Link tiếp tục hỗ trợ các nhóm thiết kế và phát triển sản phẩm lên một mức cao hơn và phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách trong nước và quốc tế. Từ đó, giúp nhóm có thể duy trì nghề và làm nghề truyền thống hàng ngày, có thêm thu nhập, truyền dạy cho thế hệ mai sau”, bà Trần Tuyết Lan bày tỏ.

Là một trong những người đầu tiên tham gia dự án phát triển nghề thủ công nhóm dân tộc thiểu số Hmong trắng tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũ nay là xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chị Sùng Thị Sé - Tổ trưởng Nhóm may thêu thổ cẩm, cho biết, dự án diễn ra từ năm 2014 – 2016.

Craft Link đã thực hiện các khóa tập huấn cho nhóm: Khôi phục lại kỹ năng thêu, dạy may, kỹ năng hoàn thiện sản phẩm khâu tay và kỹ năng quản lý nhóm, quản lý sổ sách, kỹ năng tiếp thị … Bộ sản phẩm mới được phát triển hoàn toàn dựa trên các hoa văn truyền thống trên trang phục của người Hmong trắng và có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày…

Đến nay, với sự hỗ trợ về thiết kế của Craft Link sản phẩm của nhóm không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU.

Chúng tôi mong muốn, Craft Link tiếp tục hỗ trợ nhóm sản xuất quảng bá sản phẩm nhiều hơn tới người tiêu dùng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm của nhóm sản xuất”, chị Sùng Thị Sé chia sẻ.

Gìn giữ văn hóa trong xu hướng hội nhập

Sau nhiều năm đồng hành, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số triển khai các dự án phát triển nghề truyền thống, bà Trần Tuyết Lan cho rằng, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập là một kết quả lớn đã đạt được nhưng còn nhiều thay đổi rất ý nghĩa.

Chị Sùng Thị Sé - Tổ trưởng Nhóm may thêu thổ cẩm trình diễn kỹ thuật trổ thủng vải của người dân tộc Hmong trắng (Xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Ảnh: Hải Linh

Chị Sùng Thị Sé - Tổ trưởng Nhóm may thêu thổ cẩm trình diễn kỹ thuật trổ thủng vải của người dân tộc Hmong trắng (Xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Ảnh: Hải Linh

Đầu tiên, nhận thức của chính bản thân các nhóm dân tộc thiểu số sau khi tham gia dự án đã thay đổi. Bà con trở nên yêu truyền thống văn hoá của nhóm hơn, chính vì yêu hơn nên sẵn sàng trở thành người tiên phong lan toả truyền thống văn hoá của chính dân tộc mình ra công chúng trong nước và quốc tế.

Một điều đặc biệt khác là sự thay đổi về giới trong chính cộng đồng các nhóm dân tộc thiểu số, nhất là với các nhóm Hmong. Trước kia, phụ nữ Hmong sống trong gia đình và xã hội thường không có tiếng nói. Sau khi tham gia dự án, chị em học hỏi được nhiều kỹ năng mới, lại có thêm thu nhập nên tự tin hơn.

Trước kia, một người phụ nữ Hmong có thể cả đời không ra khỏi làng, xã, cùng lắm chỉ đến chợ phiên. Giờ họ chủ động đi khắp đất nước, thậm chí được mời ra nước ngoài để nói về truyền thống văn hoá, về sự thay đổi của cuộc sống trong thời đại mới. Đó là sự thay đổi hoàn toàn về giới”, bà Trần Tuyết Lan nhấn mạnh.

Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số là một mảng màu văn hóa khác biệt và đặc biệt, việc bảo tồn văn hóa truyền thống, nhất là trong bối cảnh hội nhập với sự xâm lấn mạnh mẽ của nhiều luồng văn hóa ngày một khó khăn.

Cải thiện sinh kế cho bà con là một kênh bảo tồn và lan tỏa văn hóa truyền thống nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Theo bà Trần Tuyết Lan, để làm được điều này cần khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa và có các hoạt động để đồng bào dân tộc thiểu số tự giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và đối tác làm về văn hoá cũng nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ và cùng chung tay với các nhóm dân tộc thiểu số quảng bá được văn hoá ra thị trường trong nước và quốc tế.

Công chúng là nhân tố quan trọng hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số gìn giữ được chính bản sắc văn hoá của mình thông qua việc truyền bá về truyền thống văn hoá đặc sắc đó. Hỗ trợ họ thông qua việc mua hàng một cách thông minh, tức là hỗ trợ nhóm cần được hỗ trợ và nhóm sản phẩm thuộc các nhóm dân tộc thiểu số”, bà Trần Tuyết Lan cho hay.

Dưới sự hỗ trợ của Craft Link, hoa văn họa tiết hàm chứa văn hóa của bà con dân tộc thiểu số được phát triển thành sản phẩm thời trang và được quảng bá tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

 

 

Tác giả: Hải Linh
Nguồn: https://congthuong.vn/bao-ton-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-qua-kenh-sinh-ke-410792.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật