
WFP cảnh báo 650.000 phụ nữ và trẻ em nói trên nằm trong số 3,6 triệu người ở Ethiopia sẽ không còn được tiếp cận với cứu trợ lương thực trong những tuần tới nếu không có ngân quỹ mới khẩn cấp.
Trước đó, WFP đã từng lên kế hoạch hỗ trợ dinh dưỡng cần thiết cho 2 triệu bà mẹ và trẻ em trong năm 2025.
Cũng giống như các cơ quan cứu trợ khác, Chương trình lương thực thế giới đang bị ảnh hưởng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1, theo đó đóng băng toàn bộ viện trợ nước ngoài trong 3 tháng.
Theo WFP, hơn 10 triệu người sẽ đối mặt với nạn đói ở quốc gia Đông Phi với dân số khoảng 130 triệu người này. Ethiopia vẫn đang trong quá trình khôi phục kể từ cuộc xung đột tàn khốc giữa các lực lượng liên bang và phiến quân tại khu vực Tigray ở miền Bắc trong thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2022, khiến ít nhất 600.000 người thiệt mạng.
Trước đó, vào ngày 3/3, hãng Bloomberg đưa tin Chương trình Lương thực Thế giới - tổ chức nhận phần lớn nguồn tài trợ từ Mỹ - sẽ đóng cửa văn phòng tại thành phố Johannesburg, Nam Phi. Theo WFP, việc đóng cửa là do tổ chức này đang gặp khó khăn và hạn chế về mặt tài chính.
Nhân viên WFP gặp gỡ những người nhận hỗ trợ lương thực tại Astrega, gần Sheraro, thuộc vùng Tigray của Ethiopia (Ảnh: WFP)
Trong một năm, gần một nửa số tiền quyên góp cho WFP đến từ Mỹ - quốc gia đang cắt giảm các khoản viện trợ nước ngoài như một phần trong chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump.
Người phát ngôn của WFP tại khu vực châu Phi - ông Tomson Phiri - cho biết cơ quan này sẽ hợp nhất các hoạt động ở miền Đông và miền Nam châu Phi và điều hành từ Nairobi, Kenya. Ông Phiri khẳng định việc đóng cửa sẽ không gây ảnh hưởng đến các hoạt động của tổ chức ở miền Nam châu Phi - nơi WFP đang hỗ trợ hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Miền Nam châu Phi đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, khiến các quốc gia như Malawi, Zambia, Zimbabwe và Namibia phải tuyên bố thảm họa quốc gia.
Trong khi đó, WFP cũng đã cung cấp thực phẩm và hỗ trợ tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng, với mục tiêu tiếp cận hơn 7,2 triệu người trong tháng 3.
Việc Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài đang làm gia tăng áp lực đối với các cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất trầm trọng trên thế giới. Do tình trạng thiếu hụt ngân sách hiện nay, nhiều chương trình đã phải dừng hoạt động, hoặc sẽ sớm không còn khả năng hoạt động. Khả năng nhanh chóng triển khai cứu trợ tới các cộng đồng rất cần chăm sóc cũng bị cản trở do những khó khăn tài chính này.
Theo VTV.VN