Kế hoạch ban hành nhằm tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra như: Phấn đấu 100% các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản được cập nhật, phổ biến và áp dụng kịp thời; Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại A, B cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 tỷ lệ cơ sở xếp loại A, B đạt 98,57%).
Bên cạnh đó, phấn đấu tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng 10% trở lên so với năm 2022; Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm quy định về an toàn thực phẩm không quá 2%; Diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn khác tăng 10% so với năm 2022 (năm 2022 khoảng 28.000 ha).
Mục tiêu năm 2023, diện tích trồng trọt trên địa bàn được chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn khác tăng 10% so với năm 2022 (Ảnh minh họa: kinhtenongthon.vn/)
Đồng thời, hướng đến mục tiêu tỷ lệ cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000) và các tiêu chuẩn tương đương tăng tương ứng 10% so với năm 2022 (năm 2022 đạt 15%); Trên 80% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch chỉ ra 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là về công tác chỉ đạo, điều hành, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, các tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng, ATTP và trách nhiệm được phân công, phân cấp quản lý về ATTP nông, lâm, thủy sản; chỉ đạo, điều hành công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản…
Thứ hai là thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về chất lượng và ATTP. Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và người tiêu dùng về vai trò của việc bảo đảm an ninh, ATTP đối với sức khỏe cộng đồng; Truyền thông quảng bá chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; Kịp thời phản ánh, lên án đối với các hành vi, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn theo các quy định của pháp luật.
Thứ ba là phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, sản xuất theo quy mô hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000...); Xây dựng, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững, tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sinh thái... nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo an toàn để tạo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ ổn định, bền vững và gia tăng giá trị nông sản.
Thứ tư là thẩm định chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hậu kiểm và vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo quy định. Cụ thể, thực hiện công tác thẩm định, đánh giá đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh.
Vận động, kiểm tra việc ký cam kết của cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Hậu kiểm điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở, sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, VietGAP), các cơ sở được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000...), sản phẩm OCOP, sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử.
Thứ năm là về công tác giám sát và thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Duy trì triển khai thực hiện các chương trình giám sát chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản theo quy định đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về mất ATTP, tiêu dùng nhiều. Tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất lượng, ATTP sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo kế hoạch và đột xuất có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định.
Thứ sáu là đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
An Nhiên