Đak Pơ bảo tồn, phát triển cây cào

Đồng bào Bahnar ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) thường trồng cây cào để chế biến loại rượu cần đặc biệt thơm ngon và có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Dẫu vậy, do nhiều yếu tố khách quan nên diện tích cây cào ở địa phương ngày càng thu hẹp. Để bảo tồn, phát triển loại rượu cào mang đậm bản sắc riêng của người Bahnar, huyện Đak Pơ đang triển khai Dự án thâm canh cây cào ở xã Yang Bắc.

Cây cào giàu giá trị dinh dưỡng
 
Ông Đinh Giao (làng Jun, xã Yang Bắc) cho biết: “Cây cào còn có tên gọi khác là gào. Từ xưa đến nay, người Bahnar vẫn trồng cây cào quanh nhà, vườn rẫy để lấy hạt chế biến rượu cần. Khi thấy bông cào chín, chúng tôi hái về, tách lấy hạt, phơi khô rồi cất trong nhà. Lúc làm rượu cần thì dùng loại hạt này ủ với men lá trong ghè để tự lên men 1-2 tháng rồi mang ra sử dụng. Trong tất cả các loại rượu làm bằng ngũ cốc thì rượu cào là ngon nhất. Thường khi cúng Yàng hay đãi khách quý, chúng tôi mới dùng loại rượu cào”.
 
Dẫn chúng tôi tham quan ruộng cào của gia đình, chị Đinh Thị Bler (cùng làng) bộc bạch: “Nhà mình có truyền thống trồng cây cào để làm rượu cần. Khoảng tháng 10 xuống giống thì tháng 12 âm lịch, hạt cào bắt đầu chín. Loại cây này rất đỏng đảnh, nếu mưa hoặc nắng quá sẽ không có bông, lép hạt. Còn lúc thu hoạch thì rất tốn công. Vì vậy, càng ngày càng ít người trồng cào. Riêng nhà mình vẫn kiên trì trồng cây này để làm loại rượu quý, bổ dưỡng mang bản sắc riêng của người Bahnar ở Yang Bắc”. 
 
Gia đình chị Định Thị Bler (làng Jun, xã Yang Bắc) duy trì trồng cào lấy hạt để chế biến rượu cần. Ảnh: Thiên Di
Gia đình chị Định Thị Bler (làng Jun, xã Yang Bắc) duy trì trồng cào lấy hạt để chế biến rượu cần. Ảnh: Thiên Di
 
Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ: Người Bahnar ở Đak Pơ và một số huyện lân cận có truyền thống trồng cào để lấy hạt chế biến rượu cần. Tuy nhiên, do người dân chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nên năng suất cây cào đạt thấp, chỉ khoảng 5-6 tạ/ha. Diện tích cào ở huyện cũng rất manh mún, quy mô rất nhỏ, chủ yếu trồng ở khoảnh đất nhỏ quanh nhà để phục vụ việc làm rượu cần của gia đình. Mặt khác, do người dân chưa hiểu rõ giá trị dinh dưỡng rất cao có trong hạt cào nên không mặn mà với việc mở rộng diện tích. Vì vậy, sản lượng hạt cào không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn. 
 
Hướng sản xuất mới
 
Với mục đích mở rộng diện tích cây cào trên địa bàn giúp người dân tăng thu nhập và bảo tồn loại rượu đặc sắc của địa phương, UBND huyện Đak Pơ đã phê duyệt Dự án trồng thâm canh cây cào tại xã Yang Bắc, giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND xã triển khai thực hiện. Dự án được triển khai trên diện tích 3 ha với tổng kinh phí hơn 365 triệu đồng, trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 215 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của 30 hộ dân tham gia. Thời gian triển khai dự án từ tháng 10-2022 đến tháng 10-2023. 
 
Cây cào có khả năng kháng bệnh tốt, giàu giá trị dinh dưỡng.jpg
Cây cào có khả năng kháng bệnh tốt, cho hạt giàu giá trị dinh dưỡng. Ảnh: Thiên Di
 
 
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đã tổ chức khảo sát địa điểm, tập huấn kỹ thuật cho người dân để chuẩn bị xuống giống cây cào. Đại diện đơn vị tư vấn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ chia sẻ: Ở Việt Nam, cây cào còn có tên phổ thông khác là kê chân vịt, thuộc họ lúa. Hạt cào có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất đạm, chất béo, chất xơ. Đặc biệt, khoáng chất canxi, sắt trong hạt cào cao hơn hạt gạo. Hạt cào giàu giá trị dinh dưỡng nên có tác dụng bồi bổ sức khỏe, được dùng để chữa một số loại bệnh như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ngăn ngừa quá trình lão hóa sớm của cơ thể. Loại hạt này rất thích hợp với phụ nữ mang thai và trẻ em. “Dự án thâm canh cây cào tại xã Yang Bắc có ý nghĩa thiết thực, giúp bảo tồn loại cây trồng giàu giá trị dinh dưỡng và bảo tồn loại rượu truyền thống của người Bahnar. Hạt cào còn có thể chế biến thành nhiều sản phẩm hữu ích khác, giúp người dân có thu nhập cao hơn. Cào là loại cây có khả năng chịu hạn và ít bị sâu bệnh hại, suất đầu tư thấp và kỹ thuật trồng không quá khó nên rất phù hợp với người dân tộc thiểu số. Chúng tôi đang tập huấn để người dân nắm rõ kỹ thuật trước khi xuống giống, đảm bảo sự thành công của dự án”-Tiến sĩ Vũ cho hay.
 
Còn ông Võ Viết Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Yang Bắc thì cho biết: “Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng xã Yang Bắc phù hợp với cây cào. Thêm vào đó, người dân đã có kinh nghiệm trồng loại cây này và chế biến rượu ghè truyền thống. Chúng tôi hy vọng cây cào sẽ mở thêm một hướng làm ăn mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và bảo tồn loại rượu đặc trưng của người Bahnar”.
 
THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN
 
Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202211/dak-po-bao-ton-phat-trien-cay-cao-5795084/
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật