Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, hàng hóa có xu hướng tăng cao nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được người dân quan tâm. Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, công tác đảm bảo ATTP được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng.

Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại Trung tâm thương mại Vincom (TP Hòa Bình).
 
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành số 3 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh gồm Sở Công Thương, Y tế, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán tại các huyện Lạc Thủy, Mai Châu và TP Hòa Bình. Đoàn đã kiểm tra hồ sơ và tình hình thực hiện công tác bảo đảm ATTP của BCĐ ATTP các huyện, thành phố. Theo đánh giá, BCĐ ATTP các huyện, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo; kiện toàn BCĐ các phường, xã trên địa bàn đúng quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm trên địa bàn. Qua kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở chế biến, SXKD thực phẩm, bên cạnh ghi nhận kết quả đạt được, đoàn kiểm tra BCĐ ATTP tỉnh đã nhắc nhở các cơ sở cần tăng cường hơn nữa việc đảm bảo ATTP khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
 
TP Hoà Bình có số cơ sở SXKD thực phẩm lớn với 1.900 cơ sở, trong đó dịch vụ ăn uống 1.400 cơ sở; 500 cơ sở SXKD thực phẩm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cuối năm tăng cao. Đồng chí Bùi Quốc Vượng, Trưởng Phòng Y tế, Ủy viên BCĐ ATTP TP Hòa Bình chia sẻ: Cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, 100% địa bàn từ tuyến thành phố đến các xã, phường đã thành lập đoàn tổ chức kiểm tra 307 cơ sở. Qua kiểm tra đã xử phạt 7 cơ sở với số tiền 20 triệu đồng. Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo, thành phố sẽ cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông; kiên quyết xử lý các cơ sở có hành vi vi phạm.
 
Tết Nguyên đán Giáp Thìn tới gần, sau Tết là mùa lễ hội. Tết là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở SXKD thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam nắng nóng; đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực phẩm. Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, BCĐ ATTP tỉnh đã triển khai Kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Thời gian thực hiện từ ngày 5/1 - 20/3 trên phạm vi toàn tỉnh.
 
BCĐ ATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 huyện, thành phố. Tại tuyến huyện, xã, phường, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cấp nhằm siết chặt hoạt động SXKD hàng thực phẩm; xử lý việc SXKD thực phẩm giả, kém chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, điều kiện ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; nguồn gốc, xuất xứ. Song song với đó, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh nhằm giúp các nhà quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nắm rõ trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP. Đồng thời, giúp người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình về bảo đảm ATTP. Ngoài ra, tại địa phương, các ngành chức năng và các đơn vị cũng tích cực tôn vinh, quảng bá, khuyến khích những tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn…
 
Để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự trung thực trong kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng cũng cần quan tâm lựa chọn, bảo quản sản phẩm an toàn để phòng tránh ngộ độc, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình dịp Tết đến, Xuân về.
 
 
Hương Lan
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/219/186378/Dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-dip-Tet-Nguyen-dan.htm
Tin liên quan