Người dân mua sắm tại siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình).
Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh với việc chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (chợ) sang hệ thống hạ tầng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...). Các thương hiệu bán lẻ lớn trong nước cũng đã có mặt tại thị trường Hòa Bình như: VinGroup, siêu thị Điện máy xanh, hệ thống bán lẻ kỹ thuật số FPT Shop, điện máy Media Mart... Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống phân phối bán lẻ và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó, nhóm mặt hàng Việt Nam có tỷ lệ cao là những hàng hóa: nông sản, lương thực, thực phẩm (tươi sống).
Với việc phát triển nhanh hệ thống hạ tầng thương mại góp phần phát triển thị trường đa dạng. Các phương thức, mô hình kinh doanh trên thị trường được đổi mới, phù hợp với sự phát triển KT-XH và hội nhập, mở cửa, từng bước tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh, hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 siêu thị (3 siêu thị chuyên doanh, 4 siêu thị tổng hợp), trong đó,1 siêu thị hạng I (AP Plaza tại TP Hòa Bình), 3 siêu thị hạng II (Winmart Hòa Bình; điện máy HC Hòa Bình; Vì Hòa Bình) và 3 siêu thị hạng III (siêu thị sách tại phường Tân Thịnh; siêu thị Đình Giang, thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc; siêu thị Tuấn Khánh, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn); 3 trung tâm thương mại (TTTM) hạng III tại TP Hòa Bình (TTTM AP Plaza, phường Đồng Tiến; TTTM Phú Thành Phát, phường Tân Thịnh; TTTM Vincom Plaza, phường Đồng Tiến); đồng thời phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh. Hệ thống chợ truyền thống được quy hoạch lại, từng bước được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn. Toàn tỉnh có 95 chợ, trong đó: 1 chợ đạt tiêu chuẩn hạng I, 10 chợ hạng II, 84 chợ hạng III. Một số nhà đầu tư quan tâm đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp các chợ hiện tại theo hình thức xã hội hóa. Đến nay đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý 30 chợ (10 doanh nghiệp, 20 HTX), chiếm 31,57% tổng số chợ trên địa bàn. Mạng lưới kinh doanh xăng dầu gồm 180 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 650 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán góp phần ổn định thị trường của tỉnh. Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Công tác kết nối cung cầu được chú trọng thực hiện nhằm kết nối các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản của địa phương. Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh như rau, cá, cam, bưởi đã có mặt tại một số siêu thị lớn như: Co.opmart; Big C, V+...
Thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Một số cửa hàng kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại TP Hòa Bình, trung tâm các huyện đã triển khai bán hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử giúp đẩy nhanh tốc độ thanh toán, thúc đẩy giao thương. Tập trung hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Khi tham gia sàn giao dịch điện tử, doanh nghiệp, hộ nông dân được các chuyên gia thương mại điện tử "cầm tay chỉ việc", tư vấn từng bước từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng, các kỹ thuật hỗ trợ bán hàng hiện đại…
Năm 2022, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử (địa chỉ: www.hoabinhtrade.gov.vn), qua đó đưa các sản phẩm, nổi bật là sản phẩm nông, lâm, thủy sản lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đồng thời duy trì, phát triển, bảo hộ các thương hiệu nông sản đã được chứng nhận và có uy tín, thương hiệu trên thị trường; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản khi tham gia tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử.
Với mục tiêu phát triển thương mại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của sản xuất và tiêu dùng.
VH