Nhiệm vụ chủ yếu của chương trình là tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giải quyết cơ bản những điểm nghẽn nhằm tạo ra nền móng cho các lĩnh vực khác phát triển; trước mắt tập trung các hạ tầng trọng tâm được xác định trong Nghị quyết. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành về thực hiện quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng đô thị Chư Sê đến năm 2040 (dự kiến thị xã); quy chế phối hợp giữa các vùng động lực; tham mưu đề xuất danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng vùng động lực đưa vào kế hoạch đầu tư công hàng năm; lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm, Khu công nghiệp, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; Quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
|
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên |
Chương trình đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể đối với hạ tầng giao thông; hạ tầng kết nối đô thị vùng động lực; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng kết nối phát triển du lịch và hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông.
Chương trình được triển khai từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do bộ, ngành, trung ương đầu tư trên địa bàn là 5.927 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do địa phương quản lý tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, mang tính lan tỏa dự kiến là 5.978 tỷ đồng (đây là một phần vốn để tập trung đầu tư thuộc kết cấu hạ tầng trọng tâm của tỉnh). Ngoài ra còn sử dụng các nguồn ngoài ngân sách do doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả hợp tác xã thực hiện đầu tư) và doanh nghiệp FDI đầu tư); nguồn vốn ODA xin trung ương (tổng vốn dự kiến hơn 6.240 tỷ đồng)…
KIỀU PHAN