Giọt nước trong đời sống người Jrai

Cùng với cồng chiêng, múa xoang và nhà rông, người Jrai luôn xem giọt nước như linh hồn của buôn làng. Đây cũng chính là không gian để mọi người gặp gỡ, trò chuyện và thực hiện các nghi lễ tâm linh.

Sáng sớm tinh mơ, khi giọt sương vẫn còn đọng trên lá, trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông Rơ Châm Văng-già làng Yăng 2 (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) dẫn chúng tôi men theo con đường quanh co, sườn dốc đến giọt nước của làng. Đưa tay hứng dòng nước mát lành từ giọt nước, già Văng cho hay: “Giọt nước này đã có từ rất lâu rồi, trải qua mấy đời người”
 
Theo già Văng, trước đây, người Jrai thường chọn nơi gần sông suối để lập làng. Khi tìm được nguồn nước phù hợp, dân làng sẽ tổ chức nghi lễ cúng giọt nước. Để đảm bảo nghi lễ diễn ra trang trọng, nghiêm túc và chu đáo, dân làng sẽ tiến hành họp bàn, thống nhất phân công già trẻ, trai gái mỗi người đảm nhận một phần việc khác nhau, từ bếp núc, dọn vệ sinh cho tới đánh chiêng, múa hát...
 
Sau khi mọi thứ hoàn tất, già làng sẽ chủ trì việc cúng giọt nước. Lễ vật gồm 1 con trâu, 1 con dê, 1 con gà, ghè rượu và 1 cây nêu. Lễ vật được dân làng chuẩn bị tại nhà rông. Sau đó, già làng sẽ lấy gan, bát tiết của con vật hiến tế pha với rượu ghè rồi mang ra giọt nước lần lượt rải từng máng tre và tiến hành nghi lễ cúng, cầu khẩn thần linh ban cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, tránh xa bệnh tật, tai ương, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Kết thúc nghi lễ, dân làng sẽ tổ chức đánh cồng chiêng, múa hát, ăn uống và không quên chúc nhau những điều tốt lành đến khi mặt trời xuống núi thì về. Từ thời điểm đó, dân làng sẽ tự do lấy nước về sử dụng và duy trì đều đặn việc cúng giọt nước.
 
Ông Rơ Châm Văng (làng Yăng 2, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) bên giọt nước của làng. Ảnh: R’Ô HOK
Ông Rơ Châm Văng (làng Yăng 2, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) bên giọt nước của làng. Ảnh: R’Ô HOK
 
Ông Rơ Châm Pyat-Trưởng thôn Yăng 2-chia sẻ: Làng có 140 hộ với 500 khẩu, 100% là người Jrai. Cách đây hơn 20 năm, Nhà nước xây cho làng 1 giọt nước. Trải qua thời gian, giọt nước cũng đã xuống cấp. Hàng năm, bà con vẫn quyên góp tiền bạc để tu sửa giọt nước. Hiện nay, phần lớn bà con đều có giếng khoan, nước đóng bình sử dụng rất thuận tiện. Tuy nhiên, hàng ngày, bà con vẫn tới giọt nước để tắm rửa, lấy nước về dùng. Với dân làng, giọt nước không chỉ cung cấp cho cộng đồng nguồn nước mát lành, mà đây còn là nơi gặp gỡ, trò chuyện, giúp mọi người gắn kết với nhau. “Hàng năm, chúng tôi duy trì việc tổ chức lễ cúng giọt nước, quyên góp tiền bạc tu sửa, dọn vệ sinh. Dịp này cũng chính là thời điểm tốt để vận động, nhắc nhở con cháu có ý thức gìn giữ, trân quý nét văn hóa của dân tộc, bởi giọt nước chính là mạch nguồn sự sống của làng”-ông Pyat cho biết.
 
Rời làng Yăng 2 (xã Ia Phí), chúng tôi đến làng Yar (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) khi mặt trời vừa đứng bóng. Men theo con đường đến giọt nước, chúng tôi thấy khu vực này có khá nhiều cây đa cổ thụ rợp bóng, sum suê mát rượi. Ông Y Hyat-già làng Yar-chia sẻ: Trước khi lập làng, ông bà mình thường chọn khu vực có nguồn nước và nhiều cây cối, bởi có cây cối thì mạch nước mới dồi dào, mới đủ nước cho cả buôn làng sử dụng và sản xuất nông nghiệp. “Dù có năm tiết trời khô hạn nhưng giọt nước ở đây chưa bao giờ cạn. Vì vậy, dân làng luôn có ý thức gìn giữ, bảo vệ cảnh quan giọt nước”-ông Y Hyat nói.
 
R’Ô HOK
 
Tác giả: admin1
Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/742/202205/giot-nuoc-trong-doi-song-nguoi-jrai-5775640/
Tin liên quan