Hà Nội: Gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống

Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 (lần thứ 2) được tổ chức nhằm góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm.

Thủ đô Hà Nội có hơn 1350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Trong đó, có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã gồm: 269 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 60 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 5 nghề được công nhận Nghề Truyền thống.

Để góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 (lần thứ 2).

Hà Nội: Gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống
Thủ đô Hà Nội có hơn 1350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước

Ngoài mục đích tôn vinh các sản phẩm làng nghề, hội thi còn tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng mới, cho ra những tác phẩm phát huy giá trị văn hóa lịch sử của làng nghề, sản phẩm có tính sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, có tính ứng dụng cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 cũng là một trong những sự kiện quan trọng chào mừng 70 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, 70 năm thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố trong năm 2024.

Trong gần 6 tháng triển khai, phát động, hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 (lần thứ 2) đã thú hút hơn 250 tác phẩm, bộ tác phẩm của 117 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi tham gia dự thi, đến từ 21 quận, huyện, thị xã được chia thành 5 nhóm, gồm: Nhóm mây, tre, lá, cói; nhóm sơn mài, khảm trai, ốc, gỗ mỹ nghệ; nhóm gốm sứ và thuỷ tinh; nhóm dệt và thêu; nhóm khác (Điêu khắc đá, kim khí, hoa nghệ thuật, tranh....). Qua đây đã thể hiện sự quan tâm đánh giá cao của các nghệ nhân với cuộc thi cũng như mối quan tâm của xã hội với sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, không chỉ ở các làng nghề, mà còn là ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng thành phố.

Hà Nội: Gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống
Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 (lần thứ 2) được tổ chức nhằm góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề

Các tiêu chí chấm điểm là sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính sáng tạo, tiêu biểu, tinh hoa, thẩm mỹ, mang giá trị truyền thống, thân thiện với môi trường và có tính thương mại. Đặc biệt, ưu tiên các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế, các sản phẩm nhỏ, gọn, tinh xảo để làm quà tặng, quà biếu và đồ lưu niệm cho khách du lịch. Sản phẩm mang đậm nét truyền thống truyền tải và thể hiện được nét văn hóa riêng của Hà Nội.

Theo quy chế Hội đồng giám khảo sẽ đánh giá, lựa chọn, phân hạng, tôn vinh và trao tặng 61 giải thưởng cho các tác phẩm dự thi bao gồm: 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 30 giải khuyến khích cho 5 nhóm sản phẩm làng nghề với chủ đề nâng tầm sáng tạo, lan toa tinh hoa làng nghề Hà Nội, các sản phẩm được lựa chọn đều thể hiện rõ giá trị văn hóa truyền thống làng nghề Thủ đô.

Những tác phẩm đạt giải sẽ được tôn vinh trưng bày tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức tại Khu đô thị Mailand Hanoi City, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội trong 5 ngày, dự kiến cuối tháng 11/2024 nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Hà Nội: Gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn ngoại thành

Có thể thấy rằng bảo tồn và phát triển làng nghề đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn ngoại thành, đặc biệt ở các địa phương có làng nghề. Tổng doanh thu năm của 322 làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên đạt trên 22.000 tỷ đồng.

Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/lao động/tháng. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau như: Làng nghề mây tre đan thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ bình quân lao động đạt 10 triệu đồng/tháng.

Các sản phẩm OCOP của làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) được đông đảo du khách trong nước và quốc tế quan tâm
Các sản phẩm OCOP của làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) được đông đảo du khách trong nước và quốc tế quan tâm

Thông qua Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2024 sẽ góp phần nâng cao ý thức cho những làng nghề truyền thống tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa gìn giữ được những bản sắc văn hóa hồn cốt của quê hương đất nước đồng thời có những bước cải tiến phù hợp xu thế hiện đại hội nhập, khẳng định vị thế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội với cả nước và trên thị trường quốc tế.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Khắc Nam
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/ha-noi-gin-giu-bao-ton-va-phat-trien-nghe-truyen-thong-260617.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật