Xã Cư Mốt có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 800 hộ là đồng bào DTTS. Đời sống kinh tế cũng như trình độ dân trí của đa phần đồng bào DTTS nơi đây còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền, lôi kéo, kích động.
Theo ông Võ Văn Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Mốt, hằng năm chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng huyện Ea H’leo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL; thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm từ cơ sở. Mặt khác, xã cũng đã quan tâm đầu tư, khai thác tốt tủ sách pháp luật; chỉ đạo cán bộ văn hóa xã chủ động cập nhật thông tin, viết bài tuyên truyền về chính sách dân tộc phát trên loa phát thanh; duy trì và phát huy hình thức tuyên truyền trực quan... Nhờ đó, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh.
UBND xã Ea Hiao phối hợp với Công an xã tổ chức tuyên truyền pháp luật tại Trường Tiểu học - THCS Hoàng Hoa Thám. |
Xã Dliê Yang có hơn 2.300 hộ với gần 10.700 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ hơn 50%. Toàn xã có 8 người có uy tín gồm: già làng, trưởng buôn, chức sắc tôn giáo, cán bộ hưu trí... Đây cũng là lực lượng tuyên truyền viên biết tiếng DTTS, giúp công tác PBGDPL trong dòng họ, cộng đồng dân cư có nhiều thuận lợi hơn. Phát huy lợi thế đó, hằng năm, xã Dliê Yang đã phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền miệng đối với người có uy tín trong cộng đồng.
Ông Lê Bá Vũ, Chủ tịch UBND xã Dliê Yang chia sẻ: Hiệu quả thấy rõ trong công tác PBGDPL là việc xây dựng hương ước, quy ước dựa trên cơ sở luật tục, được ngành chức năng huyện thẩm định, bảo đảm đúng, kịp thời về mặt pháp lý, chủ trương và được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Với vai trò, trách nhiệm của mình, những người có uy tín đã phát huy giá trị của hương ước, quy ước để điều chỉnh, nhắc nhở các hoạt động trong cộng đồng dân cư sao cho hiệu quả, phù hợp. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhiều năm nay, xã không còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết; các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi... đã được loại bỏ; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ ổn định.
Toàn huyện Ea H’leo có 29 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 42,76% dân số. Để công tác PBGDPL đi vào thực chất, tạo sức lan tỏa sâu rộng, các cấp ủy, chính quyền huyện luôn đổi mới, linh hoạt triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với từng dân tộc, phong tục tập quán, trình độ nhận thức của người dân.
Đồng bào DTTS xã Ea Tir tham gia buổi phổ biến giáo dục pháp luật do ngành chức năng huyện Ea H'leo tổ chức. |
Đặc biệt, huyện Ea H'leo đã chú trọng đổi mới hoạt động PBGDPL theo hướng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, góp phần giảm chi phí, nhân lực trong quá trình thực hiện tuyên truyền. Mỗi ban, ngành, địa phương đều xây dựng trang thông tin điện tử, giúp nhân dân tìm hiểu, tiếp cận, khai thác và sử dụng các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng được chú trọng với nhiều hình thức sinh động, tránh sự nhàm chán, cứng nhắc, phù hợp với thói quen sử dụng điện thoại thông minh của người dân.
Ông Y Prúi Kpă, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Ea H’leo cho biết, hằng năm Phòng đều xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS. Riêng năm 2022, toàn huyện tổ chức được 7 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ... với gần 600 lượt người tham gia. Qua việc tư vấn, giải đáp trực tiếp các chính sách, pháp luật đã góp phần trang bị cho đồng bào những kiến thức pháp lý cơ bản, thiết thực để họ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật; góp phần ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở.
Lê Thành