Không chủ quan với bệnh cúm mùa

Thời tiết giao mùa xuân hè năm nay diễn biến rất bất thường, tạo điều kiện cho một số bệnh dịch phát triển, đặc biệt là cúm mùa ở các tỉnh miền Bắc. Trên địa bàn tỉnh ta, thời gian gần đây các ca bệnh cúm mùa có chiều hướng gia tăng. Người dân cần chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe trong thời điểm thời tiết giao mùa.

 
Bác sỹ Khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh khi thời tiết giao mùa. 
 
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chia sẻ: Thời gian vừa rồi, cả gia đình 5 người thì có tới 4 người bị mắc cúm A. Người đầu tiên bị mắc cúm là vợ tôi. Thấy người nhức mỏi, sốt cao, vợ tôi mua test ngoài hiệu thuốc về thử thì lên 2 vạch cúm A. Sau đó lây sang 3 người con. Sau 1 tuần điều trị theo đơn thuốc của phòng khám tư nhân, đến nay gia đình cơ bản đã khỏi bệnh.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) cũng có triệu chứng sốt cao, nhức mỏi. Anh được gia đình chuyển xuống khám và điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ của khoa, anh Tuấn cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn. Anh Tuấn cho biết: Khi thấy cơ thể quá mệt mỏi, sốt cao không hạ, tôi quyết định đi khám và điều trị tại cơ sở y tế cho yên tâm chứ không tự ý đi mua thuốc, điều trị tại nhà...
 
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 22/3, toàn tỉnh ghi nhận 551 trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, huyện Cao Phong 3, Đà Bắc 223, Kim Bôi 13, Lạc Sơn 24; Lạc Thủy 80, Lương Sơn 46, Mai Châu 121, Tân Lạc 21, Yên Thủy 3, TP Hòa Bình 17 trường hợp. Tuy nhiên, đây chưa phải là số liệu chính thức, vì thực tế số người mắc bệnh cúm mùa nhiều hơn. Khi mắc bệnh, nhiều người không đến cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà.
 
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
 
Theo đồng chí Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A), bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung như: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm  hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
 
Hương Lan
 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/219/176383/Khong-chu-quan-voi-benh-cum-mua.htm
Tin liên quan