Nâng cao ý thức xử lý rác thải từ vỏ thuốc BVTV cho nông dân

Một trong những vấn đề ô nhiễm hiện nay ở nông thôn đó là ô nhiễm do rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), điều này không chỉ gây nguy hại cho môi trường mà còn gây nguy hại đến cho cả sức khỏe người dân. Do đó, cần phải xây dựng cho bà con nông dân

Do đó, cần phải xây dựng cho bà con nông dân ý thức xử lý rác thải từ vỏ thuốc BVTV.

Thảm họa từ bao bì thuốc BVTV

 

Mỗi năm, nước ta sử dụng từ 35.000-100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; từ lượng thuốc khổng lồ đó, hàng nghìn tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được vứt bừa bãi ra đồng ruộng. Rất đáng lo ngại là thông thường, lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ. Chỉ tính riêng 2 tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh, số lượng thuốc BVTV được bà con nông dân sử dụng hàng năm đã lên đến hàng trăm nghìn tấn, tương đương với đó là rất nhiều vỏ, bao bì thuốc BVTV bị vứt bỏ ra đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường khá năng nề cho nguồn nước, đất và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

 

151d5090709t45216l0.jpg
Chai lọ, bao bì vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng, người dân vứt vương vãi dọc con đường ven ruộng.
 

Trước đây, bà con nông dân thường hay có thói quen vứt toàn bộ vỏ thuốc BVTV sau khi đã sử dụng ra trực tiếp ngoài đồng ruộng, không có thói quen thu gom vào và đưa vào các dụng cụ đựng rác thải. Lượng rác thải gây rất nhiều tác hại nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và cộng đồng, là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh hiểm nghèo cho xã hội hiện nay.

Đặc biệt, sau mỗi vụ sản xuất, gieo trồng lượng rác thải từ vỏ các loại thuốc BVTV được nông dâ vô tư thả ra ngoài đồng ruộng, trên các bờ kênh, mương, khiến lượng thuốc BVTV còn tồn dư  trực tiếp ngấm vào đất hoặc theo nguồn nước chảy phát tán ra nhiều nơi.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, Với diện tích gieo trồng hàng năm trên 300 nghìn ha cây trồng các loại, mỗi năm Nghệ An “tiêu thụ” từ 300-400 tấn thuốc bảo vệ thực vật, thải ra đồng ruộng từ 25-30 tấn bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật các loại.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, trung bình mỗi năm có khoảng 220 tấn thuốc bảo vệ thực vật và 120 nghìn tấn phân hóa học được bà con nông dân sử dụng, trong đó có khoảng 81 tấn thuốc diệt cỏ, 65 tấn thuốc trừ sâu.

 

151d5090754t20233l0.jpg
Vỏ thuốc BVTV nằm trên bờ ruộng, dưới mương nước 

 

Một trong những thảm họa môi trường do vỏ thuốc BVTV gây ra đó là hầu hết bao bì thuốc BVTV đều được làm bằng nhựa, thủy tinh, nếu bị vùi lấp trong đất, phải mất hàng chục năm sau mới phân hủy được và sẽ gây hại lâu dài cho đất canh tác.

Đồng thời, các loại thuốc BVTV có độc tính cao ngấm sâu vào lòng đất hoặc nguồn nước gây hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài sau này, bởi đất sẽ bị nhiễm chất độc rất khó xử lý để cho đất màu mỡ trở lại như ban đầu.

Tuyên truyền để nông dân có ý thức và xây dựng bể đựng bao bì thuốc BVTV

Để đất đai và nguồn nước không bị ảnh hưởng trong quá trình canh tác, chính quyền và các ngành chức năng cần phải có kế hoạch tuyên truyền cho bà con nông dân, về sự nguy hại của vỏ bao bì thuốc BVTV bỏ ra ngoài môi trường sau khi đã sử dụng xong.

 

bna-vut-rac-bvtv-anh-phu-huong-9380.jpg
Bể chứa rác thải bảo vệ thực vật tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương
 

Điều này tạo ra cho bà con nông dân có ý thức không vứt bừa bãi vỏ, bao bì thuốc BVTV ra môi trường, vừa bảo vệ được nguồn nước, bao vệ đất đai không bị ô nhiễm nặng, đồng thời cũng bảo vệ được sức khỏe của chính bản thân mình khi tham gia canh tác trên chính mảnh ruộng thuộc quyền sử dụng.

Những năm gần đây, nhờ các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, người dân đã dần ý thức được tính nguy hiểm của việc vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, mương nước.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết, từ sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân, tính đến tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 15.536 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng.

Tuy nhiên, với diện tích gần 154.000 ha đất sản xuất lúa, rau màu và cây ngắn ngày có thể đặt bể thu gom, thì để đảm bảo yêu cầu theo quy định tại thông tư liên tịch của Liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài nguyên - Môi trường, chúng ta phải xây dựng được 51.330 bể. Như vậy, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 35.794 bể chứa.

Hiện nay, các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương và Diễn Châu đã được đầu tư để xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV, năm nay, huyện Yên Thành tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng.

Theo tính toàn tổng lượng bể cần đặt tại vùng trồng lúa của huyện Yên Thành là 4.400 bể. Tính đến tháng 3 năm nay, đã lắp đặt được 1.504 bể, như vậy, nhu cầu bể còn lại là rất lớn, còn thiếu 2.896 bể, ông Tiến cho biết.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Nghệ An, từ năm 2017 xây dựng 1.103 bể tại 10 xã của huyện Yên Thành; năm 2018, xây dựng 438 bể tại 7 xã của huyện Anh Sơn; năm 2019, xây dựng 850 bể tại 10 xã của huyện Diễn Châu; năm 2020, xây dựng được 873 bể tại 11 xã của huyện Đô Lương và năm 2021, xây dựng 870 bể tại 10 xã của huyện Thanh Chương.

Trong năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng 1.112 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tại 12 xã thuộc huyện Yên Thành gồm: Sơn Thành, Bảo Thành, Khánh Thành, Liên Thành, Lý Thành, Đồng Thành, Hùng Thành, Kim Thành, Quang Thành, Thọ Thành, Phú Thành và Tăng Thành.

Tại Hà Tĩnh Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh  cũng đã thường xuyên phối hợp với các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về việc sử dụng thuốc BVTV, song điều quan trọng là người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, các loại vật nuôi. Các địa phương cũng cần xây dựng nhiều bể chứa rác thải ở khu vực đồng ruộng hơn để việc thu gom vỏ thuốc BVTV có hiệu quả.

Khi hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đi vào hoạt động, cùng với công tác tuyên truyền về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân trong vấn đề bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng.

 

 

Tác giả: Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/nang-cao-y-thuc-xu-ly-rac-thai-tu-vo-thuoc-bvtv-cho-nong-dan-post52225.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật