Lực lượng chức năng phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hoá tại các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm trên địa bàn thành phố Hoà Bình, đảm bảo chất lượng hàng hoá phục vụ người dân vui Xuân, đón Tết.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó, khoảng 70% tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Hệ thống cung cấp, phân phối sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh khá dày đặc với 7 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, 95 chợ truyền thống và hàng trăm cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, điểm cung cấp hàng hoá được phân bố tại các địa phương trong tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm ATTP, thời gian qua, ngành Công Thương đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về quản lý ATTP, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện tốt chính sách, pháp luật về ATTP. Theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Công Thương Bùi Xuân Hùng, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định quan trọng nhằm tăng cường quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, như Quyết định số 36/2019/QĐ-UBND và Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung quy định quản lý nhà nước về ATTP. Hàng năm, Sở Công Thương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thực hiện công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực của ngành, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về ATTP đến UBND các huyện, thành phố để cập nhật thông tin kịp thời, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh…
Song song với đó, ngành tích cực tuyên truyền đảm bảo ATTP. Từ năm 2019 đến nay đã tổ chức 4 lớp tập huấn với hơn 500 học viên là chủ các cơ sở, cán bộ và người lao động tham gia. Các lớp tập huấn nhấn mạnh về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ ATTP, góp phần nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở và người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền qua tờ rơi, pano tại các chợ, trung tâm thương mại, đăng tải bài viết trên website Sở Công Thương đã tăng tính tiếp cận thông tin của các tầng lớp nhân dân.
Trong 5 năm trở lại đây, Sở Công Thương đã thực hiện 7 cuộc thanh, kiểm tra tại 107 cơ sở. Kết quả các cuộc thanh, kiểm tra cho thấy các tổ chức, cá nhân đã có ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP, chấp hành các quyết định thanh, kiểm tra và kiến nghị tại các kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở sự chồng chéo trong quy định, thiếu cập nhật trong khi công nghệ và kinh doanh trên nền tảng số lại không ngừng phát triển.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, nhằm tạo chuyển biến lâu dài trong kiểm soát ATTP, ngành kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương sửa đổi Luật ATTP năm 2010, bổ sung quy chuẩn quốc gia về sản phẩm thuộc quản lý của Bộ Công Thương, đầu tư kinh phí nhằm hỗ trợ địa phương trong quản lý, kiểm soát ATTP… Trước mắt, nhằm đảm bảo cho người dân vui Xuân đón Tết cổ truyền an toàn, yên vui, ngành Công Thương tích cực phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường, ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về ATTP…
Minh Vũ