Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị.
Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025).
Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Hoa Quỳnh
Du lịch đặt tốc độ tăng trưởng cao
Hội nghị diễn ra vào thời điểm chính quyền các địa phương vừa đi vào hoạt động sau khi hoàn thành việc sáp nhập; không chỉ là dịp sơ kết hoạt động, triển khai nhiệm vụ mà còn mang ý nghĩa động viên, phát động thi đua sâu rộng, tạo khí thế mới cho toàn ngành du lịch, khẳng định vai trò, vị thế và quyết tâm bứt phá của ngành du lịch trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đây là dịp để đánh giá toàn diện kết quả ngành du lịch đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia… đã tạo sức ép lên lạm phát và ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu; xung đột, căng thẳng địa chính trị ở các khu vực vẫn gia tăng…; cạnh tranh điểm đến trong cùng khu vực ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp… du lịch Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam báo cáo kết quả 6 tháng năm 2025 của ngành du lịch. Ảnh: Hoa Quỳnh
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - cho biết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trên cả nước, kế thừa những kết quả đạt được năm 2024, ngành du lịch đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả nổi bật.
"Với đà tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhận thức về tác động lan tỏa của ngành du lịch trong nền kinh tế có chuyển biến tích cực. Du lịch tiếp tục là điểm sáng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2025" - ông Khánh nhấn mạnh.
Trong nửa đầu năm 2025, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia thông tin, toàn ngành đã đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, phục vụ 77,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng. Du lịch được Chính phủ đánh giá là một trong 10 điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Tuy đã đạt được những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2025, song theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch vẫn còn những khó khăn, thách thức chủ yếu sau: Các quốc gia trong khu vực ban hành những chính sách thu hút khách linh hoạt tạo sức cạnh tranh lớn.… tác động đến chất lượng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Ngoài ra, sản phẩm du lịch đã được làm mới theo hướng đa dạng hóa nhưng chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự hấp dẫn. Công tác quảng bá, xúc tiến còn thiếu điểm nhấn, chưa tạo dựng được thương hiệu quốc gia nổi trội, mang bản sắc riêng của Việt Nam. Chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến chưa đáp ứng kỳ vọng, nhất là trong những kỳ nghỉ lễ bởi thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng...
Theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch tiếp tục là điểm sáng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ảnh: Hoa Quỳnh
Khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế
Trong 6 tháng cuối năm 2025, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến nhiều lĩnh vực. Ở trong nước, nền tảng chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; một số chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh được triển khai; nhiều dự án, công trình lớn được đưa vào khai thác, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội để khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, vươn lên khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
"Cơ hội đó bắt nguồn từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho hoạt động du lịch; thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh. Đây chính là cơ sở để đưa du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới, vươn tới các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi" - ông Khánh cho hay.
Để tạo sự bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và toàn ngành du lịch sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới. Trong đó, tham mưu các cấp có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thực hiện Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025: Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành, khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch hợp tác, liên kết đưa ra nhiều ưu đãi về giá cả, các loại hình dịch vụ, sản phẩm mới nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu: xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực.
Cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực....
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành du lịch địa phương, doanh nghiệp nêu các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thu hút khách du lịch và tiến hành phát động phong trào thi đua trong toàn ngành du lịch từ nay đến cuối năm 2025.