Nhắc đến tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đặt tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), người dân nơi đây không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên dựng lên biểu tượng thiêng liêng ấy. Giữa lòng Tây Nguyên đại ngàn, hình ảnh Bác uy nghi, ấm áp như một nguồn cảm hứng, niềm tự hào và là điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ.
Những ngày không quên
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Đây được coi là trái tim phố núi, giữa trung tâm thành phố, nơi hàng ngày người dân vẫn lui tới thăm viếng, dâng hoa, tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ ký ức, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ về những năm tháng gian khổ, về tình cảm gắn bó giữa Bác và đồng bào Tây Nguyên.
![]() |
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) |
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trò chuyện cùng chúng tôi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ lại hành trình xây dựng và đón tượng Bác Hồ về với Gia Lai. Với ông, đó là dấu ấn không thể nào quên trong quá trình công tác của mình.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần đến Tây Nguyên nhưng trong tâm tưởng, tình cảm của Người thì miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng luôn đau đáu trong tim. Bác từng gửi đến Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Pleiku vào ngày 19/4/1946. Trong thư, Bác đã động viên, nhắc nhở về tinh thần đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.
Chính vì lẽ đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đều mong ước có được một công trình tượng đài Bác Hồ tại tỉnh để lúc nào cũng như có Người ở bên.
![]() |
Các đại diện của tỉnh Gia Lai và công ty thi công dự án chụp ảnh lưu niệm bên tượng Bác thời điểm bắt đầu thực hiện dự án. Ảnh: Tiến Dũng |
Thể theo mong muốn của nhân dân trong tỉnh là có tượng đài Bác Hồ đặt tại TP. Pleiku, ngày 30/6/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Tờ trình số 23-TTr/TU gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xin chủ trương xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.
Nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý tại Thông báo số 171-TB/TW ngày 2/8/2008. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Gia Lai triển khai các hoạt động xây dựng công trình.
“Quyết định đặt tượng Bác Hồ tại Gia Lai không chỉ là sự kiện lớn mà còn là một dấu mốc lịch sử quan trọng, thể hiện lòng kính yêu vô hạn của người dân Tây Nguyên với vị lãnh tụ vĩ đại. Trong tâm thức của người dân nơi đây, Bác Hồ không chỉ là người dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, yêu thương và niềm tin vững chắc vào tương lai”, ông Hà Sơn Nhin nhấn mạnh.
Thời điểm đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng tượng đài Bác. Tỉnh cũng đã thành lập Hội đồng Nghệ thuật tỉnh, Ban Quản lý xây dựng công trình và tổ chức các hội thảo khoa học lấy ý kiến rộng rãi về vị trí đặt tượng, quy mô tượng, chất liệu,...
Ngày 3/10/2010, tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được khởi công xây dựng. Được biết, đây là tượng đài danh nhân đầu tiên được thi công bằng công nghệ gò ép tấm đồng (tương tự như công nghệ tượng Nữ thần tự do của nước Mỹ), khác với đúc đồng thủ công truyền thống của Việt Nam.
Ngoài tượng đài Bác Hồ, công trình còn xây dựng thêm bậc tam cấp ở giữa đường Lê Lợi lên khu vực quảng trường, thạch thư, trụ đá đại đoàn kết, 2 bộ cồng chiêng, nhà bát giác, nơi thờ Bác... tạo nên một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh như hiện nay.
Ngọn lửa soi sáng, dẫn lối cho bao thế hệ
Ký ức về những ngày tượng đài Bác Hồ về với Tây Nguyên vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người dân TP. Pleiku. Những đoàn xe chở vật liệu nối dài, tiếng máy móc rộn ràng khắp khu vực. Người dân từ khắp các bản làng đổ về, không chỉ để chứng kiến mà còn góp sức vào công trình ý nghĩa này. Không khí những ngày đó thật khó quên.
![]() |
Với người dân Gia Lai, tượng Bác Hồ không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là ngọn lửa soi sáng, dẫn lối cho bao thế hệ |
Rồi khi tượng đài Bác Hồ hoàn thiện, ngày khánh thành lại là một ngày đặc biệt hơn cả. Ngày 9/12/2012, lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được tỉnh tổ chức trang trọng trong niềm hân hoan của toàn Đảng, toàn dân. Hàng nghìn người dân từ các buôn làng khắp Tây Nguyên đổ về Pleiku, chứng kiến khoảnh khắc lịch sử. Tiếng chiêng ngân vang, điệu múa xoang rộn rã hòa cùng nụ cười rạng rỡ của người dân.
Bà H’Nhung (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi thấy đông người đến vậy, ai cũng vui mừng, tự hào. Đứng trước tượng Bác, tôi đã khóc vì xúc động. Không những tôi mà cả mọi người, những giọt nước mắt hòa vào hàng nghìn trái tim hướng về Bác với tất cả lòng biết ơn sâu sắc”.
![]() |
Tiết mục đồng diễn “Âm vang đại ngàn” trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai và Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2023, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác nhận kỷ lục Việt Nam |
Giờ đây, tượng đài Bác Hồ không chỉ là một biểu tượng lịch sử mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục ý nghĩa. Hằng năm, vào dịp lễ lớn, người dân lại tụ hội về đây, dâng hoa, tưởng nhớ Người. Thế hệ trẻ cũng đến đây để tìm hiểu lịch sử, học về tinh thần yêu nước và lòng biết ơn đối với Bác Hồ kính yêu.
Với người dân Gia Lai, tượng Bác Hồ không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là ngọn lửa soi sáng, dẫn lối cho bao thế hệ. Những hồi ức về những ngày tượng đài Bác về với Tây Nguyên vẫn mãi lưu giữ trong tâm khảm, là niềm tự hào và nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị mà Bác đã dày công vun đắp.
Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên nằm trong một quần thể các kiến trúc có diện tích 12,5 ha. Tượng Bác được làm bằng đồng tấm dày 5 ly, theo công nghệ ép tạo hình và hàn, là công nghệ mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam; tượng cao 10,8m, trọng lượng 16 tấn; bệ tượng cao 4,5m, kết cấu móng bê tông cốt thép khoan cọc nhồi, ốp đá tự nhiên. |