KTNT Đây là thời điểm mùa mưa bão bắt đầu hoạt động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, đặc biệt đối với các tỉnh miền trung với đặc điểm là đồi núi dốc, sông suối ngắn, khi gặp mưa lớn nhiều ngày sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến nhân dân.
Do đó, rất cần chính quyền các cấp phải thường xuyên kiểm tra và có biện pháp di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nỗi lo khi mùa mưa đến
Vào tháng 8/2020, tại xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) sau một đợt mưa lớn, nước chảy từ trên đồi xuống có màu đỏ, người dân lên kiểm tra và đã phát hiện một điểm sạt lở dài 20m, sụt lún gần 3m với những tảng đá lớn trên núi Thọ Bùi làm cho13 hộ dân sống ven chân núi đang ngày ngày bị đe dọa, nhất là khi mùa mưa bão đến.
Ở Diễn Châu, mỗi khi có bão cấp 12 trở lên, do ảnh hưởng bởi nước biển dâng, triều cường, huyện phải di dời khoảng 1.200 hộ dân của hai xã Diễn Ngọc và Diễn Vạn.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Đây là những vùng cửa biển, thấp trũng, nằm ngoài hệ thống đê ngăn mặn giữ ngọt nên phải sống chung với bão, lụt. Còn khi bão nhỏ hơn cấp 12, thì chỉ tuyên truyền, cưỡng chế di dời những vùng ngoài đê như khu vực Hòn Câu của xã Diễn Hải và biển Diễn Thành vào khu vực trong đê, với khoảng 350 hộ. Đây là những hộ chủ yếu kinh doanh du lịch và một số nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê, vì hệ thống đê biển của Diễn Châu đã chịu được bão mạnh cấp 10 đến cấp 12. Đáng lo ngại nữa là trên địa bàn còn có một số điểm sạt lở ở các xã vùng núi như Diễn Phú, Diễn Lộc và Diễn Lợi.
Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) có hàng chục điểm sạt lở nằm sát khu dân cư đã tồn tại nhiều năm nay, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và hoạt động sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão.
Trên tuyến đường trục xã Quang Thọ, đoạn qua địa phận thôn 3, năm 2019 có một điểm sạt lở nhưng đến nay vẫn không được khắc phục, khiến nhiều hộ dân sống gần khu vực này luôn bất an, nhất là khi mùa mưa lũ đang cận kề.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết, tại thôn 3 có hơn 200m bờ sông bị sạt lở, trong đó vị trí sạt lở mạnh nhất là đoạn qua cầu treo Chợ Quánh. Tại đây, ước tính có hơn 400 m3 khối đất nền đường, lề đường và một số cột mốc an toàn giao thông đã bị đổ sập xuống lòng sông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Hay tại xã Đức Liên, tình trạng bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn Liên Hòa bị sạt lở từ trận mưa lũ tháng 10/2020, với chiều dài hơn 100m đến nay vẫn chưa được các cấp vào cuộc. Điều này khiến 150 hộ dân thôn Liên Hòa luôn thường trực nỗi lo mỗi khi di chuyển vào khu vực sản xuất nông nghiệp, nhất là thời điểm mưa gió. Đặc biệt, điểm sạt lở nằm gần tuyến đường sắt Bắc - Nam dẫn tới nguy cơ cao mất an toàn giao thông.
Bà Nguyễn Thị Lành (thôn 2 - Văn Giang, xã Đức Giang) lo lắng: "Sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ăn sâu vào sát nhà dân mà còn khiến tuyến đường thôn bị biến dạng, nhiều điểm bị đứt gãy. Bà con rất mong chính quyền địa phương có các biện pháp khắc phục để yên tâm sinh sống".
Trận mưa lớn cuối tháng 9/2021 đã khiến hàng trăm khối đất từ quả đồi phía sau nhà vợ chồng anh Nguyễn Đình Đức và chị Trần Thị Hồng (thôn Tượng Sơn, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn) bị sạt lở, tràn xuống ngôi nhà. Do bị đất đá chèn lên người nên con trai 4 tuổi bị gãy xương đùi, phải đưa ra Nghệ An điều trị, còn bé gái 3 tuổi do sợ hãi nên cũng ngất đi”, chị Trần Thị Hồng nhớ lại.
Huyện miền núi Hương Khê cũng là địa bàn thường xuyên đối mặt với nỗi lo sạt lở đất mỗi mùa mưa bão. Ngành chức năng địa phương xác định có 490 hộ với 1.688 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, tập trung ở các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Lộc Yên, Phú Phong, Hương Vĩnh, Hương Thủy, Gia Phố, Điền Mỹ, Hà Linh….
Sạt lở đất trong mùa mưa bão dường như năm nào cũng có và xảy ra ở những huyện miền núi của các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về tài sản và con người. Bà con sinh sống ở những khu vực này hết sức lo lắng mỗi khi mùa mưa đến gần, do đó cần phải có những biện pháp phòng tránh để làm giảm thiệt hại cho bà con.
Cần có phương án lâu dài tránh sạt lở đất
Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi, Nghệ An vẫn còn 169 điểm sạt lở trong khu dân cư với hơn 12.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Ẩn họa từ những điểm sạt lở này đang là nguy cơ đối với sự an toàn tài sản, tính mạng của người dân, đòi hỏi những giải pháp kịp thời trước mắt cũng như lâu dài.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, lốc, hạn, mưa đá, gây thiệt hại lớn không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp, mà còn làm hư hại các công trình nhà ở, tài sản, cơ sở hạ tầng của người dân và Nhà nước, đặc biệt là hiện tượng sụt lún, sạt lở đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ uy hiếp tính mạng, an toàn tài sản của người dân.
Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm tỉnh, từ nhiều nguồn và nỗ lực của các địa phương, Nghệ An đã xử lý, khắc phục được một số điểm. Tuy nhiên, con số đó chưa đáng kể.
Chỉ qua các đợt thiên tai từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có tới 169 vị trí, khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất núi, bờ sông, ảnh hưởng đến 3.064 hộ, với 12.283 nhân khẩu và cơ sở hạ tầng.
Trong đó, có 141 điểm, khu vực bị sạt lở núi, ảnh hưởng đến 5.914 nhân khẩu; 28 điểm, khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, suối ảnh hưởng đến 6.369 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực; số còn lại ảnh hưởng nhà ở và cơ sở hạ tầng.
Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các điểm sạt lở, sụt lún đều nằm ở khu vực vùng núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc di dời đến nơi ở mới rất khó. Trong khi đó, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả bão lụt hàng năm không nhiều nên không thể đủ để di dời cho hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.
Mùa mưa bão đã đến gần, theo ông Nguyễn Quang Đông - Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tại các vị trí bị sụt lún, sạt lở hoặc xuất hiện nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất, chính quyền địa phương các huyện phải sẵn sàng các phương án và triển khai sơ tán bà con ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi xuất hiện thời tiết bất lợi.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, nhất là trong các đợt thiên tai, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm, sơ tán những nhà dân có nguy cơ cao. Với những vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trong phạm vi hẹp, quy mô nhỏ không ảnh hưởng đến các hộ dân, thì người dân và chính quyền địa phương bố trí và cân đối các nguồn lực để khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn về người và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm các điểm sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng bằng các giải pháp công trình và phi công trình chống sạt lở, thì Nghệ An cần nguồn vốn khá lớn.
Năm 2020, do ảnh hưởng của mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh có trên 170 vị trí bị sạt lở (khu vực chân núi, tuyến đường giao thông, bờ kè, mái taluy, chân cầu, bờ biển, kè chắn sóng) tại 11 huyện, thị xã với khối lượng ước tính gần 700.000m3 đất đá. Các địa phương mức độ sạt lở tập trung cao là: Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê, TX Kỳ Anh, Vũ Quang, Nghi Xuân, Kỳ Anh.
Theo Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh ông Ngô Đức Hợi: Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.332 hộ với 4.280 người dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về sạt lở đất cần di dời, sơ tán khi có mưa lớn kéo dài. Các địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt đất là: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên...
“Với tình hình mưa gió phức tạp thời gian qua và dự báo mưa lớn những ngày tới thì chúng tôi tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, cần phải sơ tán dân khi có dấu hiệu nguy hiểm”, ông Ngô Đức Hợi thông tin.
Để người dân an toàn trong mùa mưa bão và ổn định sinh hoạt, không có thiệt hại lớn về người và tải sản rất cần có những phương án lâu dài di dời bà con đến định cư tại những khu vực an toàn, không có nguy cơ sạt lở cao. Thay đổi lại phương thức sản xuất để bảo đảm ổn định cuộc sống, đầu tư nguồn lực để xây dựng những công trình chứa nước vừa có nước ngọt cho mùa khô, đồng thời cũng hạn chế được lũ trong mùa mưa.