Tăng cường truy xuất thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm tập thể

Ngày 20/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong thời gian từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và nhập viện điều trị.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, tính chung trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 700 người bị ngộ độc (tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, thậm chí có ca tử vong. Mới đây nhất, chiều 15/5, tại Đồng Nai xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai nhập viện.

Liên tục xảy ra ngộ độc làm nhiều người mắc, nhập viện, Bộ Y tế
Vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam (Đồng Nai) nhập viện

Trước đó, trưa 14/5, một vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại một công ty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sau bữa trưa, hơn 400 công nhân tại đây có biểu hiện đau bụng, buồn nôn được đưa vào viện. Suất ăn do công ty tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối...

Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 5 cũng liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có vụ hơn 500 người ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì...

Vụ việc đầu tiên xảy ra ngày 1/5 tại một cửa hàng bánh mì ở thành phố Long Khánh, khiến hơn 500 người ngộ độc. Nguyên nhân ban đầu do sử dụng thịt nguội không đảm bảo vệ sinh, không được bảo quản đúng cách, dẫn đến vi khuẩn Salmonella và E.coli xâm nhập, gây ngộ độc.

Ngày 8/5, 19 sinh viên trường Đại học Quốc gia TP HCM cũng phải nhập viện sau khi ăn tại bếp ăn căng tin của ký túc xá… Ngay trong tháng 3 và 4 năm nay, trên cả nước cũng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn.

Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và người có sức khỏe yếu. Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch, dịch vụ ăn uống.

Trước số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

2 Bộ "chung tay" tăng cường kiểm soát các nguyên liệu thực phẩm

Theo kết quả điều tra ban đầu, phần lớn nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm đêu liên quan đến các loại nguyên liệu thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thủy sản, rau, củ, quả từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm trên thuộc lĩnh vực phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm soát các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Đồng thời, các đơn vị chủ động và phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Y tế truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Cùng đó, các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu, xử lý nghiêm nếu có vi phạm quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các Bộ, ban, ngành cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu; hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Theo Nghị định 15 của Chính phủ có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó cũng phải kể đến ý thức của người dân thực hiện vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Do đó, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15, các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức.

Trong đó, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mình, cho cộng đồng. Tiếp đến, các cấp, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Phương Thu
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/tang-cuong-truy-xuat-thuc-pham-phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-tap-the-250204.html
Tin liên quan