Nhằm trao đổi, cập nhật kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đúng quy định pháp luật; nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; phổ biến cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện cũng như trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã tổ chức lớp tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý Thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện và trên địa bàn thành phố năm 2023 vào ngày 29 tháng 6 năm 2023 vừa qua.
Ông Lê Minh Hải – Phó Trưởng Ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm phát biểu khai mạc
Đến tham dự buổi tập huấn gồm 86 cán bộ phòng Y tế, phòng Kinh tế và Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện phụ trách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, Ông Lê Minh Hải – Phó Trưởng Ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm mong muốn các cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm thuộc Thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện nắm bắt rõ các quy định trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật tới doanh nghiệp và người dân; đồng thời trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình phối hợp quản lý về an toàn thực phẩm từ tuyến thành phố đến tuyến quận huyện, phường xã nhằm giúp cho bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được xuyên suốt, thống nhất. Lãnh đạo Ban cũng yêu cầu qua buổi tập huấn này, cán bộ quản lý tuyến quận huyện cần nắm chắc phương pháp điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với Ban trong xử lý các vụ việc về an toàn thực phẩm, đồng thời yêu cầu quận huyện phối hợp triển khai các giải pháp, chương trình nhằm cải thiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, xây dựng các tiêu chí đánh giá chợ thực phẩm an toàn,...
Trong chương trình tập huấn, Lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của Ban Quản lý đã cùng trao đổi các nội dung xoay quanh: Việc kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm; Yêu cầu đối với người lấy mẫu giám sát, kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm; Các tiêu chí đánh giá Chợ thực phẩm an toàn; Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm hiện nay và báo cáo các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây tại Thành phố; Trao đổi kinh nghiệm, triển khai xây dựng mô hình quản lý thức ăn đường phố tại Thành phố Thủ Đức và tuyến quận, huyện; Trao đổi các vấn đề về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và một số vi phạm về an toàn thực phẩm thường gặp trong quy trình thanh kiểm tra.
Qua các nội dung trao đổi của các báo cáo viên, các cán bộ quản lý tuyến quận huyện đã cùng lắng nghe và chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình thực thi công vụ, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về những vướng mắc trong công tác phối hợp và quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương như các quy định về lưu mẫu thực phẩm, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm, các vấn đề thường gặp trong hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các mức cụ thể trong xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm,... Từ đó thống nhất những phương thức quản lý mới hiệu quả nhằm nâng cao năng lực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
Trước thực trạng về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, đồng thời triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, công tác quản lý an toàn thực phẩm cần không ngừng hoàn thiện trong tổ chức bộ máy, hoạt động phối hợp liên ngành, năng lực cán bộ quản lý,... để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, đảm bảo nâng cao sức khoẻ cho người dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Theo: Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh