Hơn 1 nghìn điểm cầu trực tuyến
Sáng ngày 8/5/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh, với gần 52 nghìn cán bộ, đảng viên, người dân tham dự tại 1.018 điểm cầu kết nối trực tuyến đến tất cả các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh.
Đây là phong trào có ý nghĩa rất quan trọng, mang giá trị nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển của đất nước và của mỗi địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
![]() |
Thanh Hóa phát động phong trào Bình dân học vụ số. Ảnh: Ban Tuyên giáo và Dân vận. |
Cách đây gần 80 năm, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, “giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm, cùng với “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”; phong trào “Bình dân học vụ” ra đời với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho Nhân dân.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là một biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi "bóng tối mù chữ", tiếp cận tri thức.
![]() |
Các đại biểu tham dự lễ phát động. Ảnh: Ban Tuyên giáo và Dân vận. |
Ngày nay, trong bối cảnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu không thể không hướng tới một quốc gia số, xã hội số, công dân số toàn diện và toàn trình.
Do đó, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là một sáng kiến giáo dục, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai; bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu về tri thức mà còn giàu về sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập và phát triển, bởi vì tri thức là chìa khóa, công nghệ là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Nhận thức rõ vai trò của việc chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 10/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 06 về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, là một trong số ít địa phương trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số từ rất sớm.
![]() |
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa tham dự lễ phát động. Ảnh: Ban Tuyên giáo và Dân vận. |
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật như: Hoàn thành trước 5 tháng theo yêu cầu của trung ương về số hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp.
Có 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị sự nghiệp được triển khai chữ ký số; toàn tỉnh đã cấp 611.221 chữ ký số cho người dân trưởng thành, đạt tỷ lệ 30,67%.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp 1.754 dịch vụ công, trong đó có 1.263 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 72%. Có 100% cơ sở y tế đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng VneID (Vi-en-i-ai-đi) thay thế thẻ BHYT. Chỉ số chuyển đổi số của tỉnh đứng thứ 11 cả nước; tỷ lệ người dân sử dụng căn cước công dân, căn cước gắn chíp điện tử trong khám chữa bệnh đứng đầu cả nước...
Nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số
Phát biểu tại lễ phát động, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, những kết quả đạt được nêu trên mới chỉ là kết quả bước đầu; chặng đường chuyển đổi số phía trước vẫn còn nhiều gian nan, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Ban Tuyên giáo và Dân vận. |
Để phong trào Bình dân học vụ số đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao nhất, ông Đỗ Minh Tuấn đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”; các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch của Tỉnh ủy về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”.
“Cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần tích cực hưởng ứng phong trào này”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
![]() |
Các đại biểu phát động phong trào Bình dân học vụ số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Ban Tuyên giáo và Dân vận. |
Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số, sẵn sàng tham gia học tập, ứng dụng công nghệ trong đời sống hằng ngày, để phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Phải gắn kết chặt chẽ với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”...
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, với tinh thần “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”. Chú trọng sử dụng các nền tảng số để chuyển tải thông tin đến mọi người, đảm bảo dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.
![]() |
Đại diện VNPT Thanh Hóa tặng các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ số trị giá 1,2 tỷ đồng. Ảnh: Ban Tuyên giáo và Dân vận. |
Bên cạnh đó, triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, giúp mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số.
Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tài liệu học tập và nguồn lực cho phong trào. Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn; tổ công nghệ số của đoàn thanh niên và các nhóm tổ khác trong việc giới thiệu các nền tảng số.
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tin tưởng rằng, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ lan tỏa khát khao phát triển, vươn lên mạnh mẽ, đẩy mạnh xây dựng một xã hội học tập hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại số trên địa bàn tỉnh, để cùng cả nước bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam”. |