Đây là kết quả của việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển.
Tăng liên tục với chuyển biến tích cực
Theo số liệu của cơ quan thống kê, trong 9 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ước đạt 51.918 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong cả 3 quý đầu năm, tỉnh đã duy trì đà tăng trưởng và quý sau luôn cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng 4,61%, quý II tăng 6,60%, quý III tăng 7,20%.
Tốc độ tăng GRDP tỉnh Tiền Giang 9 tháng năm 2024 |
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tính quý III/2024 tăng cao nhất với 7,20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,40%, đóng góp 1,55 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,59%, đóng góp 3,20 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,18%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 6,69%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tính chung 9 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 6,18% so với 9 tháng đầu năm 2023. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76 %, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,7% và khu vực dịch vụ tăng 6,54 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm).
Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,77 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,37% so cùng kỳ. Trong 6,18% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,34%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,56%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,98% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,3%.
Tính theo giá hiện hành GRDP đạt 100.004 tỷ đồng.
Chuyển biến cơ cấu GRDP 9 tháng đầu năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024 |
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm chiếm 37,2% (cùng kỳ năm trước là 37,5%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,9% (cùng kỳ 27,8%); khu vực dịch vụ chiếm 29,4% (cùng kỳ 29,1%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,5% (cùng kỳ 5,6%).
Những khu vực tăng trưởng hàng đầu
Trước hết là khu vực xây dựng và công nghiệp. Riêng lĩnh vực xây dựng tăng 10,65%, có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 9 tháng đầu năm 2024. Đánh giá của UBND tỉnh, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp từng bước khôi phục, ổn định trở lại nên tái đầu tư mở rộng sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.
Công nghiệp tăng trưởng tích cực |
Công nghiệp tăng 8,31%. Nguyên nhân là với sự chủ động của các doanh nghiệp, sự quan tâm của lãnh đạo các ngành, các cấp, kịp thời giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng dần, tăng trưởng quý sau cao hơn quí trước. Quý I tăng 4,99%, quý II tăng 8,57% và quý III tăng 10,87% so cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tăng là do trong kỳ có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động; một số ngành cùng kỳ giảm nhưng năm nay bắt đầu tăng trở lại.
Các ngành có chỉ số sản xuất tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 16,67%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 60,66%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 23,05%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 16,03% so với cùng kỳ, do nhà nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động từ cuối tháng 05/2023.
Tiếp theo là khu vực dịch vụ tăng 6,77% so cùng kỳ với sự tăng trưởng của tất cả các ngành trong khu vực này. Nguyên nhân do kinh tế của tỉnh dần hồi phục, cộng với việc nâng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong kỳ tăng cao.
Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành tăng khá như hoạt động vận tải kho bãi tăng 14,86%, so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,85%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,82%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 8,54%.
Nguyên nhân vận tải kho bãi tăng cao là do từ cuối năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh, giá các loại nông sản như mít, thanh long tăng trở lại và đặc biệt là sầu riêng; xuất khẩu thuận lợi, chủ yếu sang Trung Quốc; 6 tháng đầu năm 2024 các huyện phía Đông của tỉnh chịu tác động mạnh của hạn, mặn, thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, do đó số lượng xe chuyên chở cung cấp nước ngọt tăng lên rất nhiều; dịch vụ giao hàng nhanh trên địa bàn tỉnh tăng mạnh; trong kỳ có 2 hãng taxi mới đi vào hoạt động trên địa bàn là Saigon taxi và Xanh SM.
Chi ngân sách tạo đà phát triển mạnh hơn
Kinh tế tăng cao nên thu và chi ngân sách nhà nước cũng tăng trưởng ấn tượng.
Ngân sách nhà nước ước thu trong 9 tháng 20.060 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn 9.003 tỷ đồng, đạt 102,3% dự toán, tăng 23,4% so cùng kỳ; thu nội địa 8.708 tỷ đồng, đạt 102,1% dự toán, tăng 23,3%.
Các khoản thu chủ yếu: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.198 tỷ đồng, đạt 105,7% dự toán, tăng 3,2%; thu từ xổ số kiến thiết 1.524 tỷ đồng, đạt 83,3% dự toán, tăng 4,4%; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.550 tỷ đồng đạt 128,1% dự toán, tăng 92,7%.
Hoạt động xây dựng với giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng của Tiền Giang trong những tháng đầu năm 2024 |
Tổng chi ngân sách trong 9 tháng 12.448 tỷ đồng đạt 84,2% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.232 tỷ đồng, đạt 107,1% dự toán, tăng 27,6%; chi hành chính sự nghiệp 5.683 tỷ đồng, đạt 68,1% dự toán, tăng 12,3%.
Đáng chú ý, chi đầu tư phát triển tăng đến 27,6% so với cùng kỳ, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, đang tạo đà cho sự phát triển mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2024 và năm sau.