Tiết kiệm điện: Giữ an toàn lưới điện mùa nắng nóng

Nắng nóng cực đoan khiến phụ tải tăng đột biến, gây áp lực lớn cho hệ thống điện. Tiết kiệm điện là giải pháp thiết thực giúp đảm bảo an toàn lưới điện.

Áp lực vận hành trong mùa khô và những giới hạn kỹ thuật

Chia sẻ tại Hội nghị Tập huấn truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 25/7 tại TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Quốc Trung  - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, phụ tải hệ thống điện quốc gia đã tăng khoảng 3,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, miền Bắc tăng 4,1%, miền Trung tăng 5,3%, miền Nam tăng 1,6%. Tốc độ tăng trưởng này không cao, tuy nhiên biến động rất mạnh vào các ngày nắng nóng.

Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng giám đốc NSMO chia sẻ về tình hình vận hành hệ thống điện trong cao điểm nắng nóng

Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng giám đốc NSMO chia sẻ về tình hình vận hành hệ thống điện trong cao điểm nắng nóng

Đặc biệt, vào các ngày cao điểm như 8/7, công suất phụ tải tăng vọt khoảng 4.000 MW chỉ trong 24 giờ, tương đương tổng công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La và Hòa Bình cộng lại” - ông Trung nhấn mạnh.

Tình trạng này đặt hệ thống vận hành trước bài toán đầy khó khăn thách thức, khi các nguồn điện không thể tăng/giảm công suất tức thời để đáp ứng nhu cầu. Nhiệt điện than được coi là trụ cột về công suất phải cần từ  24 đến 72 giờ để khởi động từ trạng thái nguội. Thủy điện lớn đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô, cột nước thấp, làm suy giảm công suất khả dụng từ 1.500 MW đến 6.000 MW trong những năm thủy văn cực đoan.

Thủy điện nhỏ (hồ dung tích nhỏ điều tiết dưới 2 ngày) với tổng công suất 5.927 MW cũng chỉ có thể phát vài giờ trong ngày, khó hỗ trợ giờ cao điểm. Trong khi đó, năng lượng tái tạo chiếm tới 26% tổng công suất đặt nhưng lại thiếu tính ổn định và không phát huy hiệu quả trong giờ cao điểm, đặc biệt là điện mặt trời vào buổi tối.

Đảm bảo an toàn hệ thống: Linh hoạt vận hành và tăng cường phối hợp

Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, NSMO đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, xuyên suốt từ khâu lập kế hoạch vận hành từ năm trước cho đến thời gian thực.

Cụ thể, công ty đã đánh giá và công bố công suất khả dụng của hệ thống toàn quốc và từng miền trong 10 ngày liên tục để các Tổng công ty điện lực chủ động điều chỉnh phụ tải.

Bố trí hợp lý các kế hoạch sửa chữa nguồn và lưới, tránh trùng với mùa nắng nóng. Cùng với đó, phối hợp với PVGAS và các nhà máy để đảm bảo cấp khí ổn định, sửa chữa mỏ khí vào cuối tuần/đợt nghỉ lễ.

Tiết kiệm điện góp phần đảm bảo an toàn hệ thống điện

Tiết kiệm điện góp phần đảm bảo an toàn hệ thống điện

Đồng thời, tăng cường đàm phán nhập khẩu điện, đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới trọng điểm như Nhơn Trạch 3–4, Hòa Bình mở rộng, đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên… Triển khai các phương án vận hành linh hoạt với thủy điện nhỏ, lắp tụ bù nâng áp, điều chỉnh kết dây chống quá tải cục bộ, đảm bảo các hệ thống bảo vệ tự động như F27, F81, F90 luôn hoạt động tin cậy.

Song song, các đơn vị điều độ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động làm việc với khách hàng lớn để xây dựng kế hoạch dịch chuyển phụ tải, giảm tiêu thụ điện vào khung giờ cao điểm.

Tiết kiệm điện: Giải pháp cốt lõi cắt đỉnh phụ tải

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, cùng thực tế nguồn cung ngày càng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và năng lượng tái tạo biến động, tiết kiệm điện không còn là khuyến nghị, mà là một giải pháp chiến lược giúp giảm tải cho hệ thống.

Theo thống kê, phụ tải tăng thêm từ 1.500 đến 3.000 MW mỗi khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35 độ C. Trong khi đó, chỉ cần giảm tiêu thụ 1 kWh điện vào giờ cao điểm là đã góp phần giảm bớt áp lực cho hàng trăm km đường dây, trạm biến áp cũng như nguồn điện đắt tiền.

Tiết kiệm điện góp phần san bằng phụ tải đỉnh

Tiết kiệm điện góp phần san bằng phụ tải đỉnh

Do vậy, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện sẽ giúp cắt phụ tải đỉnh, giảm quá tải lưới và nguy cơ sự cố hệ thống; Giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới mới, qua đó giữ ổn định giá điện; nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống, giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa. Đặc biệt, góp phần thực hiện cam kết trung hòa carbon, bảo vệ tài nguyên quốc gia.

“Việc này cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, đến từng hộ gia đình. Cụ thể như: Sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, hạn chế dùng điện vào khung 11 - 15h và 20 - 22h, điều chỉnh thời gian sử dụng điều hòa, lò vi sóng, bàn ủi; xây dựng cơ chế giá điện theo thời điểm tiêu thụ...”- ông Trung nêu.

Ông Nguyễn Quốc Trung đề nghị cộng đồng cùng chung tay tiết kiệm điện

Ông Nguyễn Quốc Trung đề nghị cộng đồng cùng chung tay tiết kiệm điện

Trong bối cảnh phụ tải tiếp tục tăng cao trong các năm tới, tình hình thủy văn bất ổn và các nguồn điện mới còn vướng mắc trong đầu tư, ông Trung khuyến cáo, việc chủ động tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả chính là biện pháp căn cơ, lâu dài để đảm bảo hệ thống điện quốc gia vững vàng trước mọi biến động. “Đây không chỉ là trách nhiệm với ngành điện, mà còn là hành động thiết thực thể hiện ý thức công dân trong bảo vệ nguồn lực quốc gia và hướng tới phát triển bền vững”- ông Trung khẳng định.

Hiện, nhu cầu phụ tải sinh hoạt chiếm khoảng 32% tổng phụ tải hệ thống, với đặc điểm biến động mạnh theo thời tiết, nhiệt độ và thói quen sử dụng điện của người dân. Vào những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt điện tăng đột biến, khiến phụ tải sinh hoạt tăng nhanh và không ổn định. Đồng thời, chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và thấp điểm trong ngày có thể lên tới khoảng 16.500 MW, gây khó khăn cho công tác điều độ và vận hành nguồn điện. Tốc độ tăng phụ tải vào giờ cao điểm buổi tối có thể đạt tới 3.500 MW trong thời gian ngắn, đòi hỏi hệ thống phải có nguồn dự phòng lớn và khả năng điều chỉnh linh hoạt.

Cùng với đó, hệ thống điện chịu tác động mạnh mẽ bởi yếu tố thời tiết, đặc biệt khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35°C. Mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1°C, phụ tải toàn quốc có thể tăng thêm từ 1.500 - 3.000 MW, tạo áp lực rất lớn cho việc huy động nguồn điện và duy trì ổn định hệ thống.

Tác giả: Thu Hường
Nguồn: https://congthuong.vn/tiet-kiem-dien-giu-an-toan-luoi-dien-mua-nang-nong-412169.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật