Vì sao người thất nghiệp chưa mặn mà lựa chọn giải quyết trợ cấp thất nghiệp trực tuyến?

Nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là một kênh mới cho người thất nghiệp lựa chọn, song nhiều người vẫn sử dụng hình thức đến làm các thủ tục trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk.

Số lượng nộp hồ sơ TCTN trực tuyến ít

Nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người lao động thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, từ ngày 1/6/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, thiết lập tài khoản; xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng TCTN một cách đồng bộ theo hướng dẫn tại Công văn số 1399/LĐTBXH-VL ngày 4/5/2022 của Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc và có đủ điều kiện hưởng TCTN có thể làm thủ tục giải quyết trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia mà không phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk.
Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk.

Tiện lợi là vậy, song số lượng nộp hồ sơ TCTN trực tuyến của tỉnh khá ít. Đến giữa tháng 10/2023, toàn tỉnh mới có 285 lao động nộp hồ sơ hưởng TCTN trực tuyến, với số tiền chi trả hơn 3,6 tỷ đồng. Cụ thể năm 2022 có 49 hồ sơ và từ đầu năm 2023 đến nay là 236 hồ sơ. Trong khi đó, năm 2022 toàn tỉnh có 11.262 lao động giải quyết TCTN và năm 2023 là 9.489 lao động.

Do việc gia đình, giữa năm 2022 chị Nguyễn Thị Loan (SN 1983) ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) quyết định nghỉ việc. Chị Loan cho hay, qua tìm hiểu, chị biết tỉnh đã triển khai dịch vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TCTN trực tuyến. Người lao động ở nơi đâu, miễn có mạng Internet đều có thể nộp hồ sơ giải quyết chế độ, nhưng chị vẫn quyết định đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk nộp hồ sơ trực tiếp.

Một phần quãng đường từ nhà đến nơi nộp hồ sơ không quá xa, quan trọng hơn chị muốn gặp trực tiếp nhân viên Trung tâm để được hướng dẫn thiết lập hồ sơ, được tư vấn học nghề miễn phí, từ đó lựa chọn nghề học phù hợp và biết đâu may mắn qua giới thiệu của Trung tâm chị lại tìm được việc làm mới.

Còn nhiều bất cập

Tâm lý của chị Loan khá phổ biến đối với lao động thất nghiệp. Bởi hầu hết người lao động đang mất việc đều có nhu cầu nhanh chóng tìm được một việc làm mới, nên muốn trực tiếp nộp hồ sơ giải quyết TCTN để được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tư vấn, giới thiệu việc làm (nếu có việc làm phù hợp, người lao động không nộp hồ sơ hưởng TCTN); hoặc có thể được tư vấn, hỗ trợ học nghề miễn phí để có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk  trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong thưchj hiện
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk trao đổi một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, số hồ sơ giải quyết TCTN trên Cổng dịch vụ công Quốc gia bị từ chối chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 30% trong tổng số hồ sơ nộp) dẫn đến người lao động chưa thực sự mặn mà.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Đa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, nguyên nhân hồ sơ bị từ chối là do một số trường hợp khi nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ BHTN, người lao động kê khai các thông tin cá nhân trên Cổng Dịch vụ công kèm theo nội dung số sổ BHXH, thông tin này sẽ được hệ thống BHXH Việt Nam kiểm tra và chuyển tờ rời quá trình đóng BHXH, BHTN của người lao động về Trung tâm Dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, kết quả của BHXH Việt Nam không trùng khớp với thực tế đóng BHXH, BHTN của người lao động. Vì vậy, bị từ chối tiếp nhận hồ sơ mặc dù hồ sơ trên thực tế của họ đầy đủ thủ tục.

Ngoài ra, hệ thống BHXH Việt Nam vẫn chưa rà soát kỹ các trường hợp người lao động có nhiều sổ BHXH và từ chối trên hệ thống mà vẫn chuyển kết quả thông tin quá trình tham gia về Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động hồ sơ không đủ điều kiện hưởng TCTN theo quy định của Luật Việc làm như: Quá thời hạn nộp hồ sơ kể từ ngày thất nghiệp; Không đóng đủ BHTN 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp, không có tháng liền kề trước thời điểm nghỉ việc có đóng BHTN…

Trong thời gian tới để đảm bảo việc thực hiện chính sách BHTN thực sự hiệu quả và đem lại sự hài lòng cho người dân, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động kịp thời nắm bắt hình thức tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và chủ động thực hiện ngay khi có nhu cầu.

 Nguyên Tiến

 

Nguồn: http://baodaklak.vn/xa-hoi/202310/vi-sao-nguoi-that-nghiep-chua-man-ma-lua-chon-giai-quyet-tro-cap-that-nghieptruc-tuyen-c821957/
Tin liên quan