Việt Nam và Tunisia tăng cường hợp tác thương mại

Thương vụ Việt Nam tại Algeria phối hợp UTICA tổ chức hội nghị giao thương, mở rộng kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Tunisia, thúc đẩy quan hệ song phương.

Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Tunisia

Trong khuôn khổ chương trình công tác tại thủ đô Tunis từ ngày 22 - 26/4/2025, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia đã phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp hai bên.

Trong thời gian ở Tunisia, Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận đã làm việc với lãnh đạo Vụ Hợp tác với các nước Ả rập và ASEAN và Cục Thương mại thuộc Bộ Thương mại và Phát triển xuất khẩu, Vụ Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao, Di cư và Người Tunisia ở nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp thủ đô Tunis và UTICA để trao đổi về tình hình hợp tác thương mại và các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.

Việt Nam và Tunisia tăng cường hợp tác thương mại

Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Tunisia tại trụ sở UTICA

Ngày 24/4/2025, Thương vụ và UTICA đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến với sự tham gia của 60 đại diện các bộ, ngành Tunisia và doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại sự kiện, ông Mohamed Koolie, Phó Chủ tịch UTICA nhấn mạnh, đây là cơ tốt hội để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương và hai bên cần tổ chức ít nhất mỗi năm hai lần.

Mặc dù là một quốc gia nhỏ với diện tích 163.610km2, dân số khoảng 12,5 triệu người, song Tunisia là một trong những nền kinh tế năng động, cạnh tranh nhất khu vực châu Phi-Arab, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị trí thuận lợi gần châu Âu (cách 140km). Tunisia đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, trong đó là một trong nước tiên phong thực hiện Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) gồm 54 quốc gia thành viên. Do vậy, đây có thể xem là cửa ngõ để hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam, thâm nhập thị trường châu Phi, Ả rập, nhất là khu vực Bắc Phi.

Mỗi năm, Tunisia có nhu cầu mua 30.000 tấn cà phê thô (chủ yếu là robusta) và 30.000 tấn gạo và 360.000 tấn đường. Theo quy định, các mặt hàng cơ bản như gạo, đường, cà phê và trà xanh do Cục Thương mại Tunisia độc quyền nhập khẩu thông qua đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, kể từ năm 2024, theo luật 120, một số doanh nghiệp tư nhân của Tunisia có thể được Cục Thương mại cấp phép nhập khẩu những mặt hàng này.

Bà Dalenda MEKKi, Trưởng ban Xúc tiến và Quan hệ quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp thủ đô Tunis, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Tunisia lên tới 267 triệu USD, tăng gần 3 lần so với năm 2023, chủ yếu gồm hàng giày dép, điện thoại và nông sản. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như giày dép và nguyên phụ liệu, cà phê thô, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, máy móc trang thiết bị, dao cạo, vải sợi… và nhập khẩu hải sản, chà là, hóa chất, đồ nhựa, quần áo, nguyên liệu làm thức ăn gia súc…

Nhân dịp này, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia đã giới thiệu về tình hình kinh tế, thương mại Việt Nam, chính sách xuất nhập khẩu và quan hệ hai nước. Về khuôn khổ pháp lý, Việt Nam và Tunisia đã ký một số văn bản quan trọng như Hiệp định thương mại (năm 1994) trong đó hai bên cam kết dành cho nhau Quy chế tối huệ quốc, Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1999), Hiệp định khung Hợp tác nông nghiệp (2002), Bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UTICA (2005), Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt (2007), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế (2010).

Hai nước cũng đã tổ chức ba kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ, lần gần nhất diễn ra tại thủ đô Tunis vào tháng 4/2018.

Thương vụ cũng giới thiệu một số sự kiện thương mại quốc tế tại Việt Nam như Viet Nam International Sourcing Expo 2025 (tháng 9), Vietnam Food Expo (tháng 11), Vietnam Expo (tháng 12) và mời các cơ quan, doanh nghiệp Algeria tham dự.

Cơ hội mở rộng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia

Phó Chủ tịch UTICA hết sức ấn tượng trước con số 786,29 tỷ kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 và cho biết sẽ nghiên cứu tổ chức đoàn vào Việt Nam để tham dự một số hội chợ, triển lãm quốc tế lớn năm 2025.

Ông Mohamed Koolie cũng kêu gọi các doanh nghiệp hai bên tích cực tìm hiểu các mặt hàng thế mạnh của nhau để tăng cường hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, mời doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu khả năng đầu tư, liên doanh, liên kết với đối tác Tunisia trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, công nghệ mới, nuôi cá biển… để tận dụng vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên phong phú, cơ sở hạ tầng hiện đại, nhân công tay nghề cao và xuất khẩu sang những nước khác trong khu vực.

Việt Nam và Tunisia tăng cường hợp tác thương mại

Tham tán Thương mại Việt Nam làm việc với Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp và Thủ công Tunisia

Các đại biểu Tunisia cũng nêu một số khó khăn như giá một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (cà phê, hạt tiêu) thời gian qua tăng cao, cước vận chuyển cũng tăng mạnh do xung đột ở Trung Đông, vấn đề lòng tin trong kinh doanh, thuế nhập khẩu vào Việt Nam với mặt hàng chà là còn cao... Một số đại biểu kiến nghị Chính phủ hai nước cần có chính sách tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi bên thâm nhập thị trường của nhau thông qua đàm phán giảm thuế nhập khẩu, đề xuất ký hiệp định thương mại ưu đãi song phương và thành lập hội đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp hai bên cũng đặt nhiều câu hỏi về triển vọng thị trường, mặt hàng, chính sách thương mại, các vấn đề thuế quan, phương thức thanh toán, thủ tục xin visa, các đường bay chính, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền… và đã được Ban Tổ chức trả lời thỏa đáng.

Nhân dịp này, Thương vụ đã trưng bày catalogue, hàng mẫu của doanh nghiệp Việt Nam và mời các đại biểu tham dự trực tiếp tại trụ sở UTICA thưởng thức các sản phẩm cà phê Việt Nam. Một số doanh nghiệp Tunisia đã tìm được đối tác để thương thảo khả năng nhập khẩu cà phê thô, gia vị, gạo, sữa bột, sản phẩm cơ khí, hàng tiêu dùng… và xuất khẩu chà là, dầu ô liu, chân gà, hải sản…

Hai bên nhất trí, để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, cần tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của nhau, đẩy mạnh kết nối giao thương, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tổ chức tại mỗi nước, phối hợp xác minh, tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch...
 
Tác giả: Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia
Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-va-tunisia-tang-cuong-hop-tac-thuong-mai-385195.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật