Nhiệt điện Na Dương: Dân khổ vì ô nhiễm môi trường
Nhà máy Nhiệt điện Na Dương được khởi công xây dựng vào tháng 4/2004 tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nhà máy thuộc Tổng công ty Điện lực - TKV, gồm 2 tổ máy có công suất thiết kế là 100 MW với tổng số vốn 120 triệu USD.
Năm 2005, hai tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đi vào vận hành thương mại và phát điện. Nhưng cũng ngần đó thời gian, người dân xung quanh nhà máy luôn phải sinh sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm do tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương xả ra, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Trao đổi với báo chí, bà Hoàng Thị Thúy - Trưởng tiểu khu 1, 2 thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết, "Năm nào thuận lợi, giờ này người dân thay nhau đi gặt lúa. Thế nhưng, năm nay, nước xít than và tro xỉ của nhà máy chảy xuống ruộng, khiến lúa chết như ngả rạ. Cả khu 1, 2 thị trấn Na Dương có khoảng 10ha trồng lúa, song lúa thu hoạch được chẳng được là bao".
Nhà máy Nhiệt điện Na Dương được khởi công xây dựng vào tháng 4.2004 tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nhà máy thuộc Tổng công ty Điện lực - TKV, gồm 2 tổ máy có công suất thiết kế là 100 MW với tổng số vốn 120 triệu USD.
Năm 2005, hai tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đi vào vận hành thương mại và phát điện. Nhưng cũng ngần đó thời gian, người dân xung quanh nhà máy luôn phải sinh sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm do tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương xả ra, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
"Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống trông chờ vào 6 sào lúa. Khổ nỗi, 6 sào ruộng ấy lại nằm cạnh "núi tro xỉ" của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Năm vừa rồi, sau vài trận mưa to, nước từ núi tro xỉ trôi xuống khiến 6 sào lúa mất trắng, không có lúa để ăn, phải đi đong từng bữa", bà Hứa Thị Thoa một người sống cùng địa bàn cho biết.
Đúng như người dân phản ánh, do không thể canh tác được, nên cỏ mọc um tùm trên những ruộng lúa. Khi trời mưa, dòng nước ngả màu vàng đục tràn từ những núi tro xỉ tới từng bờ mương, lạch nước của người dân.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, theo phản ánh của người dân thời gian vừa qua, đời sống, sức khỏe của họ còn bị ảnh hưởng. Bà Hoàng Thị Thúy cho biết thêm, nhà cửa, quần áo không bao giờ sạch vì bụi tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương thường xuyên bám vào.
Trưởng tiểu khu 1, 2 còn cho biết: "Tất nhiên, người dân chúng tôi không dám "đổ tội" cho nhà máy là nguyên nhân gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi người dân thấp cổ bé họng, không có đủ điều kiện để kiểm tra, tìm hiểu.
Thế nhưng, là người lớn tuổi trong xóm, tôi rất đau lòng khi chứng kiến nhiều cháu nhỏ, cụ già thường xuyên bị ho, tức ngực. Nhất là về đêm, nhiều gia đình mất ngủ khi con nhỏ ho, quấy khóc".
Chia sẻ về vấn đề này, người dân trong tiểu khu 1, 2 cho biết, họ cũng đã nhiều lần có đơn thư kiến nghị gửi đến nhà máy, chính quyền địa phương. Thế nhưng những cánh thư cứ ra đi lại chẳng thấy hồi âm. Nhiều đoàn cán bộ đến kiểm tra theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", rồi lại ra đi, bỏ lại những cánh đồng khô héo vì xít than, tro xỉ.
Hạ tầng xử lý môi trường chưa đồng bộ
Theo các chuyên gia môi trường, thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các Cụm công nghiệp (CCN) đang là bài toán nan giải đối với nhiều địa phương. Bởi theo quy định, các CCN do địa phương chịu trách nhiệm thành lập và quản lý, trong đó chủ yếu do cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên không có hạ tầng, hoặc đầu tư hạ tầng không đồng bộ để kết nối, nên gần như toàn bộ hệ thống xử lý môi trường không hoạt động.
Ngoài ra, tại CCN, việc sắp xếp, bố trí các loại hình công nghiệp hoàn toàn không theo quy hoạch. Điều này đòi hỏi phải thay đổi phương thức kiểm soát về môi trường đối với các CCN, trong đó có các dự án đầu tư phức tạp, nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Đánh giá về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN hiện nay, Bộ TNMT thừa nhận, các CCN thời gian qua phát triển khá nhanh nhưng lại chưa đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường. Nhiều CCN vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Cùng với đó, không khí các CCN cũ đang bị ô nhiễm do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, do vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý môi trường tại các CCN nên chưa có sự phối hợp trong quản lý những vấn đề liên quan đến môi trường.
Theo ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết, 10 năm trước tại các KCN hầu như không có thiết bị nào dùng để xử lý ô nhiễm nước thải, rác thải và các chất thải khác. Hiện nay, chúng ta đã có quy định bắt buộc các CCN phải lắp đặt và có quy trình thẩm định chặt chẽ. Tuy nhiên, lắp đặt rồi nhưng vận hành hay không lại là câu chuyện khác. Một số chỉ vận hành để đối phó với lực lượng thanh tra.
Cần quy trách nhiệm cho địa phương
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, nhiều hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã khá đầy đủ, nhưng công tác bảo vệ môi trường tại đa số các CCN trên cả nước vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng phát triển các CCN thiếu quy hoạch đồng bộ. Thêm vào đó, các địa phương nôn nóng cho việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nên hạ tầng bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các CCN của chủ đầu tư hạ tầng CCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại đa số các CCN chưa cao.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là xử lý môi trường. Bên cạnh đó, khi quy hoạch CCN, quy mô của các CCN không được quá nhỏ như hiện nay. Do đó, cần có những điều chỉnh cần thiết về quy hoạch, trên cơ sở đó có thể xử lý được vấn đề môi trường.
Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý CCN, sửa đổi bổ sung năm 2020. Trong đó, Thủ tướng đã trực tiếp giao nhiệm vụ rất rõ ràng cho các địa phương trong việc quản lý và phát triển các CCN, đặc biệt là UBND cấp huyện.
Theo đó, chính quyền địa phương phải có năng lực, cần thanh tra, kiểm tra để đánh giá toàn bộ chất lượng các CCN trên địa bàn. Đối với các CCN gây ô nhiễm, các cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường vượt quá quy định, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân, phải đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, cần khoanh vùng đối với những CCN có “tiềm năng” ô nhiễm nguy cơ. Việc áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nhà máy gây ô nhiễm phải chịu sự cung cấp các dịch vụ của các đơn vị xử lý.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, để đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, phục hồi chất lượng môi trường, nhất là môi trường CCN, làng nghề, thì nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin và đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng.
Với gần 600 CCN chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường, để giải quyết vấn đề này, cần phải rà soát, làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư CCN, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp huyện. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch cụ thể và khả thi nhằm xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường tại các CCN.